Nhưng nay với thời đại mạng xã hội bùng nổ mọi chuyện đã khác, chí ít với những thành viên của nhóm Lão Cổ Vật.

Đồ quý nhưng giao lưu... trên mạng

Anh Nguyễn Đình Vượng, một trong những thành viên của nhóm Lão Cổ Vật chia sẻ, tình cờ biết đến nhóm khi anh em đi hội chợ tìm kiếm đồ cổ. Ban đầu nhóm hoạt động kín, bởi không muốn các thành viên “ngoại đạo” không am hiểu vào bàn phán lung tung hoặc soi mói, rèm pha… Tuy nhiên, sau khi được chính những người đam mê góp ý thì nhóm Lão Cổ Vật đã mở công khai và đến nay đã thu hút tới 75.000 lượt người tham gia và 77.000 người theo dõi.

Co vat 2=.jpg
Các thành viên của Lão Cổ Vật trong một buổi giao lưu. Ảnh: Nam Phương

“Ở góc độ ích kỉ cá nhân, việc công khai những món đồ cổ mình sưu tầm được là việc làm… ngu ngốc. Nhưng về mặt sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thông tin về các cổ vật lại cần được truyền bá rộng rãi nhằm 3 mục đích: Một là phổ cập kiến thức và thông tin cho những người có đam mê với cổ vật và văn hóa truyền thống của dân tộc. Hai là bảo vệ được các cổ vật của Việt Nam, tránh việc mua bán cổ vật trộm cắp hoặc cổ vật bị tuồn ra nước ngoài. Ba là tạo sân chơi cho những người đam mê sưu tầm, buôn bán hay thích tìm hiểu về cổ vật”, anh Nguyễn Đình Vượng tâm sự.

Thực tế, theo khảo sát bỏ túi của PV Báo VietNamNet, trang/nhóm Lão Cổ Vật cũng chỉ là một trong rất nhiều nhóm chơi, sưu tầm và buôn bán cổ vật, trong đó đa phần nhiều nhóm hoạt động trong bí mật, các thành viên phải xác thực danh tính (định danh) và được cấp mã số hoạt động, thậm chí đóng phí tham gia đàng hoàng để có thể tham gia các phiên livestream giới thiệu hay đấu giá cổ vật. Thậm chí, admin (quản trị viên) một số trang/ nhóm về cổ vật khi chia sẻ thông tin với PV Báo VietNamNet cũng rất “tế nhị” đề nghị không nêu tên nhóm.

Quay lại với trang/nhóm Lão Cổ Vật, thực tế các thông tin đồ cổ chia sẻ công khai cũng là những món… bình dân. Những món đồ quý, đặc biệt quý hiếm thì vẫn giao dịch bí mật. Mọi giao dịch đều nhờ các nền tảng mạng xã hội để kết nối, từ Facebook, Zalo, YouTube thậm chí đấu giá qua mạng. Nhưng “chốt” giá, giao dịch lớn thì vẫn phải diễn ra ở các nhóm kín nhằm đảm bảo tính bí mật và thậm chí bảo vệ quyền riêng tư cho người sưu tầm, mua bán, sở hữu để tránh sự dòm ngó, soi mói của những đối tượng xấu.

Thú đam mê không dành cho nhiều người

Thực tế, từ những người mới chơi cổ vật cho tới những người dành cả đời theo đuổi thú vui tốn kém này không bao giờ dám thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Đợi giàu rồi mới chơi đồ cổ? Hay chơi đồ cổ rồi sẽ giàu?” – Bởi, những người mới chơi thì khác nào bước vào “mê hồn trận” và nói như dân trong nghề là “còn phải học nhiều”; trong khi những người sành sỏi, lão luyện thì lại luôn ẩn tàng và thường chẳng bao giờ nhận mình là chuyên gia, càng không bao giờ trả lời những câu hỏi mang tính trực diện như vậy.

Theo một nhà sưu tầm cổ vật lão làng tại Hà Nội (người này xin được giấu tên) chia sẻ: Thú chơi cổ vật không dành cho số đông, những phong trào kiểu như “Đồ cổ, chó Tây, cây cảnh” chỉ dành cho những tay mơ. Đồ cổ không dễ mua bán, trao đổi; càng không dễ xuất hiện trên thị trường như các món hàng khác bởi “người có muốn giữ, người mua muốn tìm”, nó chỉ xuất hiện khi một trong hai cảm thấy “ưng” về giá cả hoặc có những điều kiện trao đổi xứng đáng với giá trị của các món đồ.

“Về bản chất, mỗi người chơi nếu đã trót đam mê và muốn hình thành một sưu tập cổ vật, thường phải trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, thường mua nhiều cổ vật không chất lượng vì thiếu kinh nghiệm, cần trả "học phí" ban đầu. Giai đoạn thứ hai, mua phải các món có vẻ bề ngoài hào nhoáng nhưng thiếu giá trị thực, dễ bị người bán lợi dụng. Giai đoạn thứ ba, sau khi có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và thậm chí là kinh phí để theo đuổi thì lúc này người chơi đồ cổ mới có thể “tập trung” vào chất lượng, chọn lọc các món đồ có giá trị thẩm mỹ và văn hóa cao”, chuyên gia này phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia này, bộ sưu tập cổ vật có giá trị dựa trên tiêu chí: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” và bổ sung thêm “độc” và “thân phận” rõ ràng. Để trở thành người sưu tập cổ vật thực thụ, cần có kiến thức sâu rộng và phải là nhà đầu tư kinh tế. Sưu tập cổ vật khác với khảo cổ học, đòi hỏi sự hiểu biết và kỹ năng đánh giá giá trị cổ vật. Thị trường cổ vật hiện nay chịu ảnh hưởng từ các nhà buôn, dẫn đến việc nhiều người mới chơi dễ bị lừa mua đồ giả. Lưu giữ bộ sưu tập cũng là thách thức lớn khi điều kiện tài chính và tuổi tác có giới hạn”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Nam Phương