Ngày 11/11 sẽ là lễ hội mua sắm lớn lớn nhất của tập đoàn Alibaba trong năm nay, đây là đợt mở bán thứ hai sau đợt đầu tiên (từ ngày 1- 3/11) đã ghi nhiều dấu ấn. Qua 12 năm, dịp 11.11 đã trở thành lễ hội mua sắm trực tuyến được quan tâm hàng đầu ở thị trường tỷ dân Trung Quốc cũng như toàn cầu.

Tập trung vào hàng hóa “xanh”

Năm nay, dịp 11.11 ghi nhận 290.000 thương hiệu tham gia, mang đến hơn 14 triệu khuyến mãi cho hơn 900 triệu người tiêu dùng. Trong đó, sự kiện thu hút 200 thương hiệu cao cấp, Hermes và Saint Lauren cũng lần đầu tiên góp mặt.

{keywords}
 Các thương hiệu quốc tế góp mặt tại lễ hội mua sắm 11.11 (Ảnh: Alibaba)

Qua dịp này, Alibaba còn đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới thông qua nền tảng Tmall Toàn cầu. Theo bà Anita Lv - Tổng giám đốc Tmall Toàn cầu, lễ hội 11.11 năm nay được ứng dụng cơ sở hạ tầng số xuyên biên giới để vượt qua những thách thức của chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Ông Chris Tung - Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Alibaba cho biết, mạng lưới Cainiao (đơn vị logistics của Alibaba) đã ứng dụng các công nghệ mới nhất để cung cấp dịch vụ giao hàng tốt hơn, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Không chỉ hoành tráng về quy mô, sự kiện 11.11 năm nay còn thể hiện bước đi đột phá của Alibaba: chuyển hướng tập trung vào tính toàn diện và bền vững. Đại diện Alibaba cho biết, lễ hội mua sắm toàn cầu 2021 hướng người tiêu dùng vào các sản phẩm “xanh”, hợp tác với các thương hiệu để phát triển các sản phẩm mới ít khí thải carbon, khuyến khích tái chế bao bì thông qua mạng lưới Cainiao.

{keywords}
 Trung tâm logistics thông minh của mạng lưới Cainiao thuộc tập đoàn Alibaba (Ảnh: Alibaba)

Nền tảng Tmall đã thành lập “liên minh xanh” với 14 thương hiệu để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng “xanh”. Tmall cũng mở chuyên trang dành cho 50.000 sản phẩm có chứng nhận xanh, phát hành “phiếu mua hàng xanh” với tổng giá trị 100 triệu Nhân dân tệ, cũng như đưa ra chương trình tích điểm năng lượng đóng góp cho chiến dịch “Ant Forest” trên Alipay khi khách hàng mua các sản phẩm gia dụng “xanh” (Alibaba sẽ đổi số điểm tích được thành cây xanh để bảo vệ môi trường).

Ngoài ra, Alibaba vẫn triển khai chương trình “Hàng hoá cho những điều tốt đẹp” (Goods for good) với mong muốn hỗ trợ cộng đồng. Theo thông tin từ Alibaba, năm nay, mỗi giao dịch mua sắm được khách hàng chia sẻ trên mạng xã hội sẽ quyên góp 1 Nhân dân tệ cho các tổ chức từ thiện. Người bán hàng trên Tmall sẽ được gắn nhãn ghi nhận nỗ lực từ thiện khi đạt ngưỡng quyên góp nhất định.

Mang đến trải nghiệm mua sắm toàn diện

Đại diện Alibaba khẳng định, lễ hội mua sắm hứa hẹn đem đến trải nghiệm toàn diện, cung cấp nhiều tính năng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người bán hàng và tất cả các đối tượng khách hàng: từ giới trẻ, người cao tuổi, cho đến những nhóm khách hàng đặc biệt hơn (ví dụ như người khuyết tật).

Từ kết quả khả quan của năm 2020, dịp mua sắm tháng 11 năm nay được triển khai 2 đợt bán hàng: đợt đầu từ ngày 1 - 3/11, đợt hai chính là ngày 11/11. Khung thời gian mở bán sớm: từ 8 giờ tối (theo giờ Bắc Kinh) nên các “tín đồ” không phải thức khuya chờ đợi để mua sắm.

Dịp này, các nền tảng ứng dụng mua sắm trong hệ sinh thái tập đoàn Alibaba cũng cho ra mắt nhiều tính năng và chương trình hấp dẫn. Nền tảng Taobao nổi bật với: tính năng chia sẻ giỏ mua sắm với bạn bè và gia đình, chế độ cho người cao tuổi với các chức năng đơn giản hoá và công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói… Thêm vào đó, phát trực tiếp (livestreaming) trên cổng Taobao Live dành cho người bán hàng vẫn được định hướng là hình thức tiếp thị quan trọng, giúp các thương hiệu tương tác hiệu quả hơn với khách hàng.

Nền tảng Tmall cũng ra mắt các chiến dịch hấp dẫn như chương trình “Một chiếc giày” (người khuyết tật có thể mua một chiếc giày với giá một nửa đôi giày tại một số cửa hàng nhất định). Đồng thời, Tmall mở nhiều đợt giảm giá ở nhiều cửa hàng hơn nhằm giúp khách hàng hưởng chiết khấu sâu hơn khi gộp đơn hàng; giới thiệu tính năng “Những khám phá mới” để hỗ trợ cho các thương hiệu nước ngoài.

{keywords}
 Buổi họp báo ra mắt lễ hội mua sắm 11.11 (ngày 27/10) nhấn mạnh trọng tâm hướng đến tiêu dùng “xanh” và bền vững (Ảnh: Alibaba)

Bên cạnh đó, khách hàng và các doanh nghiệp cũng sẽ được trải nghiệm các ứng dụng thanh toán thuận lợi hơn tại lễ hội 11.11 năm nay. Các nền tảng của Alibaba như Youku, Damai, Ele.me và Kaola đã kích hoạt WeChat Pay để xử lý các giao dịch trên nền tảng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên khách hàng có thể thanh toán với Union Pay và nhiều đối tác thanh toán khác.

Đồng thời, các ứng dụng Taobao Deals (mua sắm sản phẩm giá rẻ) và Idle Fish (mua sắm đồ cũ) đã đăng ký mở ứng dụng con (Mini-Programs) trên WeChat.

Đại diện Alibaba thông tin, trong đợt mở bán hàng đầu tiên (ngày 1 - 3/11) của lễ hội 11.11, tập đoàn Alibaba đã bán được hơn 120.000 sản phẩm gia dụng “xanh” chỉ trong vòng 9 giờ đầu. Trong ngày 1/11, đông đảo khách hàng mua iPhone trị giá với tổng trị giá 300 triệu Nhân dân tệ (tương đương 47 triệu USD) chỉ trong vòng 4 phút đầu tiên, phá kỷ lục của tổng số iPhone bán được trong ngày đầu tiên của lễ hội năm 2020.

Ngọc Minh