Liên hoan bắt đầu ngày 20/5-1/6 thu hút sự tham gia 500 nghệ sĩ đến từ 32 đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và các đơn vị nghệ thuật hoạt động theo mô hình xã hội hóa, bao gồm các thể loại: tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc.
Tại liên hoan, khán giả có thể thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với cách thể hiện sáng tạo, kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp của nghệ sĩ trong một đêm diễn.
Các trích đoạn tham dự liên hoan phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn; trích đoạn được dàn dựng, biểu diễn phải khắc họa rõ nét tính cách, hình tượng nhân vật; khuyến khích các trích đoạn xây dựng hình tượng về những con người tiêu biểu trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.
NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, liên hoan là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trước những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường; là hoạt động tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo và khát vọng cống hiến trong nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập.
“Liên hoan các trích đoạn hay còn là cơ hội để Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các cơ quan quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn trong nghệ thuật sân khấu, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…”- NSND Trịnh Thuý Mùi chia sẻ.