Mê-Đê là tác phẩm của Euripides - 1 trong 3 nhà viết kịch lớn của Hy Lạp cổ đại (Hoàng Hữu Đản dịch), NSND Triệu Trung Kiên và NSƯT Lê Chức đồng viết kịch bản cải lương và đạo diễn. Đây là lần tái xuất của NSƯT Lê Chức sau 20 năm xa rời Nhà hát Cải lương Việt Nam - nơi ông từng làm Giám đốc. 

Cảnh trong vở Mê-Đê.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, việc dàn dựng Mê-Đê lên sân khấu cải lương là sự tiếp nối có chủ đích của đơn vị mình.

"Cải lương là bộ môn nghệ thuật có tính giao thoa và dễ gần gũi với các thể loại sân khấu, trong đó có kịch phương Tây. Vì thế, bên cạnh các tác phẩm về đề tài sử Việt đã tạo nên thương hiệu Nhà hát, việc dàn dựng vở Mê-Đê nằm trong khả năng và kế hoạch của chúng tôi. Trước đó, Nhà hát đã xây dựng thành công một số tác phẩm ở dạng này. Chúng tôi hy vọng mang vở diễn tới thật nhiều công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ", NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Mê-Đê là vở cải lương khắc hoạ đậm nét bi kịch của sự phản bội và lòng tham, sự hận thù. 

Mê-Đê kể từ khi ra đời đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân hận bi thảm. Mê-Đê được diễn đi diễn lại suốt hàng ngàn năm qua ở các thể loại sân khấu và trong các liên hoan sân khấu tại nhiều quốc gia. 

Câu chuyện bắt đầu từ việc sau khi lấy được bộ lông cừu vàng đem về kinh thành Iolcos và giúp Jadong trả thù vua Pélias, Mê-Đê phải cùng chồng là Jadong và hai con chạy đến vương quốc Coranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ Mê-Đê, lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh. 

Biết Mê-Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê- Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày ở lại theo ân huệ của nhà vua, Mê- Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay đâm chết hai con mình, kết thúc những khổ đau.

Mê-Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người.

NSƯT Lê Chức cho biết, vở diễn tôn trọng tối đa tính nguyên bản của tác phẩm. Đây cũng là cách dàn dựng phù hợp nhất đối với 1 trong 100 tác phẩm kịch kinh điển mọi thời đại. "Tôi đã rút cạn tình yêu, kinh nghiệm cho lần trở lại này", NSƯT Lê Chức nói.

Chú trọng vào diễn xuất, Mê-Đê được dàn dựng tối giản với bục và những dải lụa nhiều màu, cho thấy màu sắc của văn hoá Hy Lạp cổ đại. Các diễn viên mặc phục trang trắng giản đơn, có thêm khăn choàng làm điểm nhấn giúp hóa thân vào các nhân vật của thế giới Hy Lạp cổ đại.

Đây là vở diễn mà tâm lý nhân vật đè nặng lên vai chính - nàng Mê-Đê (Như Quỳnh). Nếu ở bản dựng kịch nói, diễn viên sẽ đỡ áp lực hơn để dồn toàn bộ vào diễn xuất thì ở phiên bản cải lương, nghệ sĩ Như Quỳnh phải "phân thân" vừa ca vừa diễn.

Vượt qua những áp lực ban đầu, nghệ sĩ Như Quỳnh đã dẫn người xem dõi theo câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình, cuộc đời nhiều cung bậc thăng trầm của người phụ nữ xinh đẹp, có quyền năng trời cho nhưng lụy tình và bị phụ tình. Người xem thấy được tấn bi kịch của người phụ nữ nói chung và của những người phụ nữ trong xã hội Hy Lạp cổ đại nói riêng.

Bi kịch đã khiến bao số phận con người phải đi vào ngõ cụt, cuộc sống hạnh phúc vốn có của một gia đình bỗng chốc tan vỡ. Sự đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân khiến Mê-Đê không tin vào cuộc đời. Những giá trị cao quý trong đời sống tinh thần sụp đổ đã đẩy người phụ nữ xinh đẹp đi xa khỏi ý thức thiện lương, hoá dại trong sự thù hằn, cay đắng, ê chề.

Tác phẩm thành công khi khắc họa bi kịch thẳm sâu trong tâm lý của người phụ nữ, người vợ và người mẹ. Dù nói về xã hội Hy Lạp cổ đại nhưng vở diễn mang hơi thở thời đại - Mê-Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người.