- Quyết định tái khởi nghiệp ở một hình thức tổ chức sản xuất kiểu mới với vốn điều lệ ban đầu 250 triệu đồng, song ông An và các xã viên đã phải ném 60 triệu vào tiền thuê kho hàng.

Chiếc smartphone để trên bàn làm việc của giám đốc HTX thanh long Tầm Vu Trương Quang An liên tục đổ chuông dù là ngày nghỉ cuối tuần. Chốc nhận điện báo hết hàng, chốc lại nhận điện thoại của nông dân trong ấp gửi hàng nhờ tiêu thụ thanh long.

Cách đây 6 năm, ông không hình dung mình sẽ tổ chức được một mô hình liên kết nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành một đơn vị kinh doanh có thương hiệu, xuất khẩu đi các thị trường trong nước và nước ngoài.

Một cây làm chẳng lên non

Ông Trương Quang An ở ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An đã không thể thoát nghiệp làm nông với khởi nghiệp truyền thống từ cây lúa như bất cứ người nông dân nào khác ở VN. 

{keywords}
Ông Trương Quang An

Nhưng không giống người khác, trời sinh tính ăn sóng, nói gió, đầy quyết liệt, ông luôn mạnh dạn chuyển đổi, xoay vòng. Từ trồng lúa còn bươn chải sang cả nuôi cá thả ao, nuôi heo, trồng dừa...

Bước ngoặt đến khi những năm 2005-2007, ở Châu Thành rộ lên phong trào nhà nhà trồng thanh long.

Thấy mình không thể đứng ngoài cuộc, ông An chuyển dần sang trồng thanh long, song song nuôi heo, thả cá. Năm 2007, gần 1ha thanh long cùng 150 con heo, 1 ao cá đem về cho ông hơn 400 triệu đồng.

{keywords}
Trồng thanh long là cuộc chuyển đổi năng động, liều lĩnh ở Châu Thành

Đó là cú hích cho ước vọng mở rộng canh tác. Nhưng, như các hộ trồng thanh long khác, người nông dân này cũng phải đối mặt với hệ quả của sản xuất tự phát ồ ạt. Hệ thống thu mua, chế biến chưa phát triển nên trái trồng chủ yếu phải bán qua thương lái, liên tục bị ép giá đến tận ruộng.

2008 là đỉnh điểm khi thanh long bị thương lái ép xuống 1.000 đồng/kg.

Ông An giật mình lùi lại quan sát chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra thị trường. Khâu tiêu thụ quá nhiều tầng nấc trung gian, bắt đầu từ thương lái đến tận vườn thu mua rồi mới đem bán lại cho các kho. Các kho bán ra Bình Thuận, rồi từ Bình Thuận mới đi ra thị trường tiêu dùng khắp nơi.

Trong khi đầu vào cũng bị ép khi nông dân phải mua phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật qua đại lý cấp 2, cấp 3 nên giá bị đội, chưa kể dễ mua phải hàng giả, kém chất lượng. "Tất cả đều bấp bênh, nông dân ở giữa rất khổ" - ông An kể.

Vắt tay lên trán tìm lối thoát, ông An cùng với 13 người khác quyết định lập HTX với kỳ vọng mô hình này liên kết nhiều hộ nông dân để tạo sức mạnh trong sản xuất cả đầu vào và đầu ra. "Một cây làm chẳng lên non. Không liên kết thì việc trồng trọt lúc đó cũng sớm chết yểu vì rớt giá" - ông nói.

{keywords}
Họ quyết định liên kết để không chết yểu

Ông Trương Ngọc Lưỡng, một xã viên có ruộng canh tác khoảng 3.000m2 cũng từng khốn khổ vì rớt giá trước thời vào HTX. "Diện tích canh tác nông nghiệp như vậy quá khiêm tốn. Ở Châu Thành, những hộ như tôi không ít. Một mình làm yếu thế đủ đường cả đầu vào lẫn đầu ra canh tác" - ông nói.

Mười mấy con người đã quyết định tái khởi nghiệp ở một hình thức tổ chức sản xuất kiểu mới với vốn điều lệ ban đầu 250 triệu đồng và 13ha ruộng trồng. 60 triệu đã bị nướng vào tiền thuê kho hàng nên để ban chủ nhiệm HTX chạy đôn chạy đáo vay mượn, xoay sở.

Trụ sở tận dụng mượn từ nhà xã viên, tổ chức sản xuất đồng loạt theo quy trình canh tác chung để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm, tổ chức ngay dịch vụ cung ứng đầu vào bài bản từ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... để giảm chi phí sản xuất cho xã viên. 

Liên kết sản xuất vào đà ổn định nên năng suất, chất lượng thanh long bắt đầu tăng, giá thành đảm bảo cao hơn thị trường của hộ cá thể vài trăm đồng/kg. "Đó là sự khích lệ rất lớn" - ông An chia sẻ.

{keywords}
60ha trồng thanh long liên kết  tạo sức mạnh cho họ bước ra thị trường cạnh tranh

Từ 13 thành viên, HTX phát triển dần lên với 70 xã viên với tổng diện tích trồng 1.200ha. Sau các cuộc "biến thiên", đến nay, họ rút về còn 40 thành viên với diện tích tham gia HTX trên 60ha. 

Tổng số lao động khi mới thành lập chỉ có 40 người giờ đã lên đến 100 người. Vốn điều lệ không ngừng phát triển, hiện đạt 4 tỷ đồng.

Cửa thoát xuất khẩu

2010 là một năm bước ngoặt với tất cả xã viên. Qua các kênh tiếp xúc thương mại trong huyện, ông An gặp được một doanh nghiệp Đài Loan có kinh nghiệm làm thanh long xuất khẩu. 

Một thỏa thuận được chốt sau cuộc thương lượng, theo đó  HTX sẽ cung cấp thanh long theo đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang Đài Loan, TQ với tỉ lệ ăn chia tương thích. 

{keywords}
Từ nhu cầu kháng cự rớt giá, thanh long lên đường xuất khẩu nhiều nước

Lần đầu xuất khẩu còn mới mẻ, vừa làm vừa thăm dò khách hàng, đơn hàng chỉ có vài trăm tấn xuất qua kênh trung gian nhưng cũng đủ để xã viên phấn chấn vì có việc, lao động phải tăng giờ làm.

Khi bắt mối với công ty An Phú ở Bình Dương để chiếu xạ trái cây trước khi xuất khẩu, HTX lại có thêm nguồn hàng đi xuất khẩu. Đến nay, thanh long của HTX sản xuất chủ yếu chỉ để phục vụ các mối hàng xuất khẩu ở thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, TQ, Mỹ, Nhật, Pháp.

Từ vài trăm tấn ban đầu, những năm gần đây HTX đã xuất được 5.000- 6.000 tấn/năm. Năm ngoái, HTX đạt tổng doanh thu các dịch vụ 7,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hôn, chánh văn phòng UB thị trấn Tầm Vu cho hay, trong xã có nhiều mô hình HTX song HTX Tầm Vu có hiệu quả sản xuất lớn nhất, tạo việc làm ổn định cho các lao động lúc nông nhàn, đặc biệt là lao động nữ, lao động có tuổi.

"Các công đoạn rửa, phân loại, bao gói trái không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên không hiếm các bà cùng chị em tham gia. Một ngày công 150-200 ngàn đồng/người là quá lý tưởng" - ông Hôn cho hay.

Theo "cửa" xuất khẩu cũng đưa HTX nâng giá trị, tiêu chuẩn quy trình canh tác lên một bước mới. Ông An khá năng động khi chịu khó tìm hiểu, học hỏi các quy trình canh tác tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm tổ chức mô hình HTX các nước như Đức. 

{keywords}
Quy trình sản xuất hướng tới các bộ quy chuẩn chất lượng ngặt nghèo nhất

Ban chủ nhiệm HTX cũng được Liên minh HTX của tỉnh và các phòng, ban, huyện Châu Thành hỗ trợ tập huấn, nâng cao kiến thức trong quản lý HTA, tín dụng HTX. Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam tài trợ cho HTX này dự án xây dựng phát triển thương hiệu và nâng cao chuỗi giá trị. 

Để xuất khẩu uy tín, HTX dưới sự hỗ trợ của tỉnh Long An còn chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đi 5 nước xuất khẩu gồm Mỹ, Nhật, Pháp, TQ và Singapore.

Đặc biệt, việc đầu tư nhà máy sơ chế đóng gói và khử trùng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu, rộng 5.500m2, với công suất chế biến 500 tấn/năm là một nỗ lực lớn của HTX. Ông An cho hay họ đã không dễ dàng đạt được điều này, đặc biệt trong việc tìm đất thuê mua nhà xưởng hoàn toàn không dựa theo cơ chế ưu đãi đặc thù nào.

Ông An đang sốt ruột chờ đợi trong năm nay HTX sẽ sớm được chứng nhận quy trình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGab - bộ quy chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp do Bộ NN&PTNT cấp dựa trên quy chuẩn hội nhập của ASEAN. 

{keywords}
Nhiều đơn hàng phải vét hết ruộng mới đủ số lượng

Thời gian qua, HTX dưới sự hướng dẫn của Hội làm vườn Việt Nam đã tổ chức trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGab tại ruộng rất nhuần nhuyễn.

Trong hội trường ở lầu 2 trụ sở khang trang, bề thế của HTX treo đầy các giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu thanh long Tầm Vu, Châu Thành, Long An. Ông An khoe giấy chứng nhận nhãn hiệu thanh long của HTX mới đây do phía Mỹ cấp bảo hộ độc quyền khi xuất sang thị trường Mỹ.

Công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những nông hộ ở Châu Thành từ lúa sang thanh long mới chỉ đi đoạn đầu. Vẫn có những đơn hàng mà vét hết ruộng mới đủ số lượng xuất khẩu, đóng gói, làm việc xuyên thời gian. 

Nhưng giờ đây, dấn thân vào thị trường xuất khẩu, họ vỡ vạc ra các thử thách lớn hơn, không chỉ còn là chuyện được mùa rớt giá.

Xuân Linh - Ảnh: Tuấn Kiệt

Kỳ tới: Giấc mơ Mỹ của thanh long Tầm Vu