Vào thứ tư (29/6), các nhà đàm phán của Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt thoả thuận tạm thời về các quy tắc phòng chống rửa tiền điện tử. Đây là động thái nhằm thúc đẩy các công ty tiền điện tử đề cao việc kiểm tra danh tính khách hàng của họ.
Các công ty tiền điện tử sẽ buộc phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan quản lý để ngăn chặn “tiền bẩn”, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu cho biết, trong tuyên bố ngày 29/6. Hiện, các quy tắc này đang bị phản đối bởi Coinbase Global, sàn giao dịch lớn nhất của Mỹ và vẫn chưa được nhất quán trên phạm vi toàn thế giới.
Sau khi được viết ra, các quy tắc này cần được sự chấp thuận của một số cơ quan để có hiệu lực. Tuyên bố cho biết thêm, việc giám sát sẽ đảm bảo rằng các tài sản tiền điện tử có thể được lần ra tương tự như cách chuyển tiền truyền thống.
Ernest Urtasun, một nhà lập pháp của Đảng Xanh Tây Ban Nha, cho biết: “Các quy định mới sẽ cho phép các quan chức thực thi pháp luật có thể liên kết một số vụ chuyển tiền với các hoạt động tội phạm để xác định kẻ thực sự đứng sau các giao dịch đó.”
Trong một bức thư được Reuters gửi tới 27 bộ trưởng tài chính EU vào ngày 13/4, các doanh nghiệp tiền điện tử đã yêu cầu các nhà hoạch định chính sách đảm bảo các quy định của họ không vượt ra ngoài các quy tắc hiện hành của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính toàn cầu (FATF), tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn chống rửa tiền.
Vào thứ Tư, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu cho biết, các quy tắc được đề xuất cũng sẽ bao gồm các ví tiền điện tử “không lưu trữ”, do các cá nhân nắm giữ (không được quản lý bởi một sàn giao dịch tiền điện tử được cấp phép) đối với các giao dịch vượt quá 1.000 euro (1.044,20 USD).
Thái Hoàng (theo Reuters)