CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng thông qua quyết định phát hành trái phiếu, huy động vốn cho hoạt động trong năm 2020. Theo đó, trong đợt 1/2020, doanh nghiệp này sẽ huy động thêm 800 tỷ đồng từ việc phát trái phiếu không chuyển đổi.

Theo đó, đây sẽ là loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm, tín chấp hoàn toàn. Lãi suất tuỳ thuộc vào tình hình hoạt động của VCSC tuy nhiên không quá mức lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV và Vietinbank cộng biên độ 3%.

Trái phiếu sẽ phát hành thành nhiều đợt trong năm tài chính 2020 theo quyết định của Ban Tổng Giám đốc.

Theo VCSC, mục đích của đợt phát hành này là nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty, giúp ổn định nguồn vốn, tăng cường hiệu quả đồng thời tái cơ cấu khoản nợ với lãi suất theo hướng ổn định hơn.

{keywords}
Nghị quyết của Chứng khoán Bản Việt phát trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giới hạn cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán hiện bị khống chế tối đa ở mức 5% vốn chủ sở hữu ngân hàng, cùng với tiêu chuẩn định giá tài sản cầm cố thế chấp ở tỷ lệ rất thấp nên khả năng mở rộng hạn mức hạn chế.

VCSC cũng xác định kênh phát hành trái phiếu là phương án tốt nhất để tăng nguồn vốn hoạt động trong điều kiện hiện tại của doanh nghiệp.

Trong năm 2019, Chứng khoán Bản Việt đã có nhiều đợt huy động trái phiếu. Ngay cuối 2019, sau thương vụ huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu, VCSC của bà Nguyễn Thanh Phượng ngay lập tức công bố kết quả của đợt phát hành tiếp theo với 332 tỷ đồng.

Trong báo cáo hôm 25/12, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết đã hoàn tất phát hành trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cuối kỳ 7-7,5%/năm với tổng trị giá hơn 332 tỷ đồng.

Kết quả cũng là một phần trong kế hoạch huy động 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, với kỳ hạn 2 năm với lãi suất khoảng 7-9% mà HĐQT của VCSC đã thông qua trước đó trong Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐQT.VCSC ngày 9/8/2019 do chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng ký.

Đầu 2019, Chứng khoán Bản Việt đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu.

{keywords}
Bà Nguyễn Thanh Phượng chủ tịch chứng khoán Bản Việt.

Trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ. Không chỉ các CTCK, nhóm ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) huy động một khối lượng lớn tiền từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nhóm BĐS ghi nhận trả mức lãi suất cao nhất với phổ biến trên 10%/năm, có nhiều trường hợp 14-15%/năm. Tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành năm 2019 là 106,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng.

Theo SSI Research, về bình quân gia quyền theo giá trị phát hành năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình toàn thị trường là 8,8%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 4,04 năm. Lãi suất và kỳ hạn đều nhích tăng trong quý cuối năm phần nhiều do các NHTM gia tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất cũng cao hơn. Nhóm ngân hàng có lãi suất thấp nhất (7,04%), ngược lại nhóm BĐS cao nhất với 10,3%/năm

Trên thị trường chứng khoán, cuộc chiến giữa các công ty chứng khoán (CTCK) trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với dòng vốn ngoại đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc đang dồn dập đổ vào và đẩy phí môi giới cũng như lãi cho vay ký quỹ margin xuống thấp chưa từng có.

Trong thời gian vừa qua, lần đầu tiên một CTCK có vốn Hàn Quốc đã đưa ra mức phí môi giới 0% cam kết trọn đời sau khi quy định bỏ phí sàn môi giới chứng khoán. Cục diện cạnh tranh trong khối các CTCK thay đổi nhanh chóng.

Theo Thông tư số 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành, trong đó chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ.

Sau khi thông tư có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 15/2/2019, nhiều CTCK lập tức triển khai chương trình giảm phí giao dịch về 0% nhằm thu hút nhà đầu tư.

Trên TTCK hiện nay có hơn 70 CTCK, nhưng 10 công ty tốp đầu thường xuyên nắm giữ 65 - 70% thị phần môi giới. “Miếng bánh” khoảng 30% còn lại dành cho hơn 60 công ty chứng khoán và cuộc chiến thị phần ở nhóm này khốc liệt từ nhiều năm nay.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 13/1 chỉ số VN-Index đi ngang sau vài phiên tăng điểm mạnh. Các cổ phiếu phân hóa nhưng không mạnh. Cổ phiếu Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng điểm, trong khi Vingroup giảm. Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng tăng khá.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo Rồng Việt, thị trường dần trở nên tích cực với sự dẫn dắt của các cổ phiếu Ngân hàng. Dòng tiền chuyển hướng từ các cổ phiếu đầu cơ sang các cổ phiếu có tính cơ bản hơn. Các dấu hiệu tạo đáy cũng ngày càng rõ nét hơn. Nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, nhất là trong các phiên điều chỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/1, VN-Index tăng 8,937 điểm lên 968,54 điểm; HNX-Index tăng 0,97 điểm lên 102,22 điểm. Upcom-Index tăng 0,38 điểm lên 55,56 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,4 ngàn tỷ đồng.

V. Hà