Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Mạo (SN 1953, trú thôn Cây Thị, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), gia đình ông đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng làm thủ tục xin cấp chế độ vợ liệt sĩ tái giá cho chị dâu là Lương Thị Lài (SN 1948, vợ của anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Hợi) nhưng bất thành.
Ông Mạo nhiều lần xin đính chính bằng Tổ quốc ghi công cho anh trai nhưng chưa được giải quyết |
Theo ông Mạo, lý do mà bà Lương Thị Lài không được cấp chế độ vợ liệt sĩ tái giá có công chăm sóc bố mẹ chồng bởi bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hợi được cấp trước ngày nhập ngũ.
Cụ thể, liệt sĩ Nguyễn Văn Hợi (SN 1948), cấp bậc binh nhất. Tháng 2/1967, liệt sĩ Hợi nhập ngũ ở chiến trường miền Nam. Đến tháng 9/1967, ông Hợi hi sinh, và được công nhận liệt sĩ.
Năm 1970, thân nhân của liệt sĩ Hợi nhận được giấy báo tử và được cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hợi có ký hiệu HZ793b, ngày cấp bằng 84TTga 4/7/1966. Nghĩa là cấp trước ngày nhập ngũ một năm.
Nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng
Ông Mạo cho biết: “Từ trước tới nay, mọi chế độ thân nhân liệt sĩ thì gia đình tôi đều được hưởng. Nay chị dâu đã già yếu, tôi muốn xin được cấp chế độ vợ liệt sĩ tái giá cho chị ấy thì lại không được.
Năm 2018, đoàn đại biểu QH Hà Tĩnh đã gửi văn bản đến Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh đề nghị xem xét trường hợp của liệt sĩ Hợi |
Từ năm 2015, tôi cùng chị dâu đã nhiều lần gửi đơn lên cơ quan chức năng xin đính chính ngày cấp bằng Tổ quốc ghi công để xin hưởng chế độ chính sách theo quy định của nhà nước nhưng không được.
Họ bảo do bằng Tổ quốc ghi công của anh tôi cấp trước ngày nhập ngũ nên không được xét duyệt. Nhưng thật vô lý, vì đây là lỗi từ bộ phận cấp bằng chứ không phải lỗi ở gia đình tôi”.
Bà Nguyễn Thị Lài, cho hay, bà kết hôn với ông Hợi được vài tháng thì chồng lên đường nhập ngũ và hi sinh, hai ông bà không có con chung.
Từ khi chồng hi sinh, bà Lài chung sống và phụng dưỡng bố mẹ chồng, phụ giúp nuôi dạy em út nên được gia đình yêu quý.
“Năm 1972, được sự động viên của bố mẹ, anh chị em trong gia đình liệt sĩ nên tôi đã xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Hòe, người cùng xóm.
Từ đó, mặc dù tôi và chồng mới đã có con chung nhưng giữa tôi và người thân trong gia đình chồng cũ vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhau”, bà Lài nói.
Bà cho biết thêm: “Mấy năm nay có chủ trương của nhà nước đãi ngộ cho vợ liệt sĩ tái giá có công chăm sóc gia đình chồng liệt sĩ, tôi lại được gia đình liệt sĩ làm đơn xin cho tôi được hưởng chế độ đó nhưng thật buồn vì không được chấp nhận bởi bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ lại được cấp trước ngày nhập ngũ”.
Bà Lê Thị Kim Nhung, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hương Sơn cho biết, liệt sĩ Nguyễn Văn Hợi được cấp bằng Tổ quốc ghi công trước ngày nhập ngũ là đúng sự thật.
Bà Lê Thị Kim Nhung, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hương Sơn |
“Từ 2017, đơn vị đã nhận được đề nghị cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Hợi. Rồi sau đó, tháng 5/2019, phòng lại tiếp tục nhận được danh sách đề nghị cấp lại bằng của liệt sĩ Hợi”, bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, đơn vị đã gửi kiến nghị của thân nhân liệt sĩ lên Sở LĐTB&XH, và theo trả lời của Sở thì Sở đã gửi ra Bộ LĐTB&XH nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Thiện Lương
Liệt sĩ 30 năm trở về: Ôm ảnh thờ khóc ngất vì chồng quên tên vợ
Ông Trịnh Thanh Bình còn sống và trở về sau 30 năm được công nhận liệt sĩ. Người vợ cầm tấm ảnh thờ chồng òa khóc, bởi ông Bình không nhớ nổi tên ai.