Loạn vấn nạn côn đồ chiếm đất

Mới đây, chính quyền TP Phan Thiết đã tổ chức cuộc cưỡng chế quy mô, tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất Nhà nước của bà Trần Thị Ngọc Nữ (thường gọi là Nữ Đoàn) tại phường Mũi Né. Đây là vụ việc xâm chiếm đất nổi cộm, kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải “đau đầu” khi xử lý.

Được biết, từ cuối tháng 2/2021 UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nữ về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị thuộc thửa đất số 19, tờ bản đồ số 114 do Nhà nước quản lý, đối với diện tích 15.817m2 tại khu phố Long Sơn, phường Mũi Né.

Mức phạt đối với bà Nữ là 100 triệu đồng và chính quyền buộc bà này khôi phục lại tình trạng ban đầu, giao cho UBND phường Mũi Né quản lý. Tuy nhiên, bà Nữ đã không chấp hành tháo dỡ, di dời công trình sai phạm nên UBND TP Phan Thiết đã tiến hành cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt.

Nhiều nhóm người có dấu hiệu côn đồ ngang nhiên chiếm đất dự án, thách thức pháp luật ở Bình Thuận. Ảnh: T.L

Một cán bộ UBND TP Phan Thiết cho biết: “Hiện tình trạng chiếm đất, phần lớn là đất dự án đang là vấn đề nóng tại địa phương. Những nhóm người có dấu hiệu là giang hồ, côn đồ ngang nhiên xâm chiếm đất trái phép, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư tại địa phương.

Thủ đoạn của các nhóm người trên là ngang nhiên vào các khu vực dự án, là đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp, để tự nhận là đất của mình, để đòi hỏi, yêu cầu bồi thường. 

Vì chủ đầu tư đã bỏ số tiền lớn vào dự án nên rất sốt ruột, buộc phải thương lượng. Nếu nhận được tiền thì những nhóm người trên sẽ rời đi. Nếu không được đáp ứng yêu cầu, các nhóm người sẽ dùng vũ lực, tấn công công nhân, không cho xây dựng. Chủ đầu tư kêu cứu khắp nơi, nhưng được… vạ thì má đã sưng, thiệt hại đủ đường. Một số dự án được tỉnh giao đất nhưng không thể triển khai theo kế hoạch chỉ vì nạn giang hồ chiếm đất này.”.

Một vụ việc chiếm đất đang rất 'nóng' tại TP Phan Thiết là dự án Sun Hill City nằm ở địa bàn phường Hàm Tiến do Công ty M.T (trụ sở tại TP.HCM) làm chủ đầu tư.

Được biết, đây là đất Nhà nước, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty M.T thực hiện dự án. Nhưng từ tháng 4/2021 đến nay, lần lượt nhiều nhóm người kéo đến gây rối, tự nhận là đất của mình. Những nhóm này ngang nhiên đập phá công trình, cướp tài sản, tấn công nhân viên… Điển hình, trong số này là nhóm của Đ.T.N, nhóm của M.V.H và N.T.V.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận hiện đang "đau đầu" với nạn giang hồ chiếm đất. Ảnh: Đ.T

Điều đáng nói là dấu hiệu của hành vi huỷ hoại tài sản, cướp tài sản…. đã rõ nhưng chưa thấy cơ quan công an xử lý. 

Theo tìm hiểu, một số nhóm có dấu hiệu côn đồ, cùng lúc đi xâm chiếm đất tại nhiều dự án khác nhau để ra yêu sách với chủ đầu tư….Như trường hợp Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp King Sea tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, nhóm của ông T “lụi” đã xâm chiếm một phần dự án hơn một năm nay. Chính quyền địa phương có văn bản xác định là hành vi vi phạm pháp luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm. Nhưng hàng rào vây quanh khu vực chiếm đất, các công trình của nhóm ông T “lụi” vẫn tồn tại, thách thức pháp luật…

Cương quyết xử lý nạn côn đồ chiếm đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại địa phương  

Theo tìm hiểu, hiện phòng Cảnh sát hình sự, phòng Cảnh sát kinh tế - công an tỉnh, Công an TP Phan Thiết, một số huyện đang tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến các nhóm côn đồ chiếm đất xảy ra tại các dự án.

Nguồn thông tin điều tra cho hay, một số băng nhóm rất tinh vi, khi đối phó với pháp luật bằng cách trưng ra những bằng chứng mua bán đất bằng giấy tay nguỵ tạo, không rõ ràng để hướng vụ việc sang tranh chấp dân sự, nhằm đối phó; do đó công tác điều tra, xử lý không mấy dễ dàng.

Cách đây không lâu, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận Dương Văn An ký công văn gửi các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây mất an ninh trật tự địa phương, làm ảnh hướng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu qủa quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai.

Đất của dự án King Sea tại TP Phan Thiết bị một số người xâm chiếm, xây dựng hàng rào kiên cố. Ảnh: T.L

Về nguyên nhân của tình trạng trên, chính quyền tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, là do các địa phương chưa quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã còn yếu. Công an các địa phương chưa tích cực, quyết tâm trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm…

Trên cơ sở đó, Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu UBND tỉnh nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên lực vực đất đai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND huyện, thị, các sở ngành liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn; thường xuyên đôc đốc, kiểm tra, giám sát, phê bình, xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để tình hình lấn chiếm đất…

Tại nhiều nơi, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận cắm các bảng thông báo như thế này. Ảnh: Đ.T

Đáng nói văn bản của Bí thư Tỉnh uỷ cũng nêu rõ, Bí thư cấp uỷ ở các huyện, thị phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Tỉnh uỷ, nếu buôn lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý… để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai gây phức tạp.

Tỉnh uỷ yêu cầu lãnh đạo Ban thường vụ Đảng uỷ Công an tỉnh chỉ đạo Ban giám đốc Công an tỉnh, có chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị tăng cường quản lý địa bàn, các đối tượng cộm cán, băng nhóm hoạt động có tổ chức; lập chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi lấn, chiếm đất công, đất dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, các hành vi tái lấn chiếm đất đai sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng… Đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp…. làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các đơn vị, các địa phương triển khai và báo cáo kết quả theo định kỳ 6 tháng/lần.

>>Xem tin nóng: Tina Dương nộp 148 triệu khắc phục hậu quả trước khi bị bắt