Anh N.T.T (21 tuổi, quê Phú Thọ) là bệnh nhân của Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cuộc đời của T. đã thay đổi hoàn toàn sau 2 tháng nhập viện.

Trước đó, ngày 17/5/2024, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương da xuất hiện dày đặc khắp cơ thể kèm tổn thương móng rỗ, mủn và đau khớp. Nam thanh niên này đã điều trị vảy nến được 7 năm tại nhiều cơ sở y tế nhưng không khỏi dứt điểm.

bệnh vay nên.png
Hình ảnh của nam bệnh nhân trước khi điều trị. Ảnh: BVCC.

Suốt thời gian mắc bệnh, T. luôn tự ti về ngoại hình và giao tiếp. Cuộc sống khó khăn vì các mảng da bong tróc.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết ban đầu, bệnh nhân được sử dụng các loại thuốc bôi có chứa Corticosteroid, dưỡng ẩm, chiếu tia UVB. Tình trạng bệnh có thuyên giảm, nhưng sau vài năm tổn thương da xuất hiện dày lên, thêm tổn thương móng rỗ, mủn và đau khớp.

Bệnh nhân được định dùng thêm thuốc ức chế miễn dịch nhưng gặp tác dụng phụ. Thương tổn da tiến triển ngày một nhiều hơn, bệnh nhân phải dành nhiều thời gian hằng ngày để bôi thuốc gây ảnh hưởng tới học tập và công việc. 

Với tình trạng bệnh vảy nến tiến triển, đã sử dụng các thuốc truyền thống nhưng không mang lại hiệu quả, các bác sĩ của Khoa Da liễu quyết định sử dụng thuốc sinh học để điều trị.

Sau một tháng điều trị tấn công, tổn thương da đã đỡ rõ rệt, không còn dày, không còn vảy bong bóc. Tình trạng đau khớp của bệnh nhân cũng cải thiện.

Theo bác sĩ Nghĩa, khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân chỉ cần đến tiêm định kỳ, 1 đến 3 tháng mỗi lần tùy loại, hiệu quả rất cao và ấn tượng. Thuốc sinh học điều trị vảy nến là những loại được sản xuất từ các sinh vật sống như vi khuẩn hoặc tế bào động vật.