Vĩnh Long là một tỉnh thành thuộc khu vực miền Tây sông nước. Tương tự như các tỉnh thành khác, Vĩnh Long nổi tiếng không chỉ những vườn trái cây trĩu quả hay nhiều ngôi chùa có công trình kiến trúc độc lạ.

Bên cạnh những ngôi chùa Vĩnh Long thu hút đông đảo các Phật tử về tham quan và chiêm bái thì vùng đất này còn được mọi người nhắc đến bởi vô số lò gạch nằm cạnh dòng sông Cổ Chiên, Mang Thít.

Trong các số các làng nghề làm gạch ngói ở miền Tây thì khu vực ven sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long là có khoảng thời gian tồn tại lâu nhất. Lò gạch thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long  trải dài hơn 30km, từng mái lò đỏ hồng, những hàng gạch nhuốm màu thời gian. Không có mốc thời gian chính xác nhưng từ đầu thế kỷ XX, “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít tập trung nhiều ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh (huyện Mang Thít).

Cùng với dòng sông Cổ Chiên, lò gạch cũ ám khói lặng lẽ vượt qua bao thăng trầm, nên ai đến đây cũng đều cảm nhận được nét đẹp vượt thời gian của chính nó. Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long mang một vẻ đẹp cổ kính và độc đáo. Mỗi lò gạch nung được xem như là một biểu tượng của thời gian được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa, kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa.

Những năm 1990, thời điểm phồn thịnh nơi đây có gần 1.500 miệng lò. Hiện chỉ còn 425 cơ sở gạch ngói, gốm với 663 miệng lò. Trong đó, có 111 cơ sở sản xuất với 115 miệng lò còn đang hoạt động.

mangthit.png

Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một quần thể di sản kiến trúc đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt xây dựng Đề án di sản đương đại Mang Thít với kinh phí gần 500 triệu đồng. Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 hecta thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh.

Bên cạnh đó, tỉnh  cũng đang kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa xây dựng “Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Với đề án này, hy vọng “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương. 

“Đề án di sản đương đại Mang Thít” được xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. 

Toàn bộ vùng di sản của Mang Thít khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển đề án.

Chính việc làm “sống dậy” những lò gạch cũ rêu phong phục vụ du lịch sẽ tạo sự phát triển cho "Vương quốc gạch gốm" Mang Thít một thời hưng thịnh.

Mai Hương và nhóm PV, BTV