Tuy là cây mới đưa vào trồng trên địa bàn xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, Bắc Giang, song măng tây xanh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người người dân nơi đây.

Đi đầu trong phong trào trồng măng tây xanh ở xã Tự Lạn, ông Nguyễn Xuân Trường (SN 1966, làng Lửa Hồng) không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu trồng cây “nhà giàu”, một loại cây khá dễ tính trong sản xuất.

{keywords}

Ông Trường, người tiên phong trồng măng tây xanh xã Tự Lạn

Ông bảo, được sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện nên ông đã mạnh dạn “liều” làm giàu một lần. Ai ngờ có lãi. Trồng măng tây xanh tuy vất vả nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Với 1,7 mẫu măng tây xanh, trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu về 35 - 40 kg/ngày, được bán với giá 50 nghìn đồng/kg. Tính ra được khoảng 2 triệu/ngày”, ông Trường phấn khởi.

Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thiếu chất dinh dưỡng. Gia đình ông phải chờ đợi gần 8 tháng mới được thu hoạch, tính từ lúc gieo hạt ươm cây con.

Theo ông Trường, do là loại cây mới, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao nên người dân nơi đây không dám tham gia trồng măng tây xanh cùng gia đình ông. Ngày mới xuống giống, nhiều người cứ lầm tưởng nhà ông trồng cây thì là.

Nói về kỹ thuật trồng măng tây xanh, ông Trường cho hay: Măng tây xanh là loại cây dễ trồng, trước khi trồng phải làm luống sau đó bón lót bằng phân chuồng ủ mục. Mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây là 40cm, hàng cách hàng khoảng 70cm.

Tính từ khi gieo hạt ươm cây giống đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 6 tháng, sau đó thu quanh năm. Ở mỗi khóm chỉ để 4 cây, sau một thời gian cây nào già cỗi thì cắt vứt bỏ, nuôi mầm mới.

Cây măng tây trồng 1 lần nhưng có thời gian canh tác lên tới 10 năm, thậm chí nếu hộ nông dân chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới 15 năm.

“So với trồng lúa hay các loại rau củ quả, cây măng tây đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Hơn nữa, không phải mất công trồng đi trồng lại, cứ chăm sóc tốt thì ngày nào cũng được thu hoạch”, ông Trường bộc bạch.

{keywords}

Vườn măng tây nhà ông Trường

“Tôi đang có ý định trong thời gian tới xây chuồng nuôi thỏ vì những gốc măng cắt về bỏ đi rất lãng phí, bởi gốc măng rất tốt cho sức khỏe con vật”, ông Trường dự định.

Ông Trường chia sẻ: “Cây măng tây rất kỵ thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần phun thuốc trừ cỏ ở xung quanh bờ mương mà gió thổi bay bụi thuốc vào vườn là cây măng tây có thể chết như ngả rạ”.

Vì thế, gần 2 mẫu măng tây gia đình ông phải nhỏ cổ hoàn toàn bằng tay và bắt sâu bệnh thủ công. “Mấy ngày nay mưa liên tục nên cỏ mọc nhanh, người dân lại đang đi cấy nên nhà tôi không thuê được ai để làm cỏ, tôi cứ làm túc tắc vậy, đến đâu hay đến đó”, ông Trường giãi bày.

Để thu được những cây măng mềm, ngọt, đất trồng phải luôn giữ được độ ẩm. Măng dài khoảng 25 - 30cm là cắt. Và, thu hoạch vào ban đêm hoặc trời sáng sớm vì ban ngày có ánh nắng chiếu vào sẽ làm mầm cây xanh, cứng và ăn không được ngon.

Ông Trường tiết lộ, giá măng tây rất ổn định, đầu ra cho sản phẩm luôn suôn sẻ, không có gì bất ổn. Thu hoạch đến đâu, gia đình ông tiêu thụ hết đến đó. Chưa kể, năng suất măng sẽ tăng lên theo từng năm, chả mấy chốc gia đình ông trả hết nợ.

Ngắt một cây măng tây non, ông Trường bảo, cây măng tây có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho những người phụ nữ đang mang bầu và sau khi sinh. Ngoài ra, măng tây giúp phòng tránh một số bệnh như táo bón, viêm bàng quang, ung thư, chống lão hóa, béo phì…

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)