Chiều 13/3, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo khác trong vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo cáo buộc, ngày 20/11/2018, bà Thành vay của anh Nguyễn Tiến Dũng (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 24,5 tỷ đồng trong 7 ngày. 

Đến hạn, không có tiền trả nợ, bà Thành bàn bạc với các cựu cán bộ Ngân hàng VAB phương án vay tiền để trả nợ anh Dũng và thu hồi nợ. Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng bộ phận khách hàng cá nhân) là người tìm mối khách hàng cho bà Thành vay. 

Phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm

Bị cáo Quỳnh Hương biết anh Nguyễn Văn Đức có gửi tiết kiệm 22,7 tỷ đồng tại VAB nên đã đề nghị anh này cho vay và chỉ vay trong vài tiếng. Do bà Thành cần 25 tỷ đồng, bị cáo Quỳnh Hương cho vay thêm 2 tỷ đồng để đủ số mà bà Thành cần. 

Sau khi vay được tiền trả lại cho anh Dũng, bà Thành vay lại số tiền này để gửi vào tài khoản của Công ty MHD (do bà Thành đứng tên đồng chủ tài khoản) để chứng minh năng lực tài chính. VAB sẽ phát hành Giấy xác nhận phong tỏa tài khoản trong 10 ngày, chỉ anh Dũng mới được quyền giải tỏa và dùng séc rút tiền.

Để yên tâm, anh Dũng gặp bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VAB) để hỏi xem phương thức trên có an toàn không. Nhận được sự đảm bảo của cựu giám đốc chi nhánh, anh Dũng đã đồng ý cho bà Thành vay tiền. 

Trên thực tế, bị cáo Quản Trọng Đức chỉ ký phong tỏa trên giấy, không thực hiện phong tỏa trên hệ thống, nên khi anh Dũng đến rút tiền mới hay tiền trong tài khoản của Công ty MHD không còn.

Cáo buộc cho rằng, chính việc bị cáo Đức chỉ ký xác nhận tạm khóa trong “Giấy đề nghị kiêm xác nhận tạm khóa tài khoản” cho khách hàng mà không thực hiện trách nhiệm phê duyệt trên hệ thống đã tạo sơ hở cho bà Thành lợi dụng rút 2 séc với số tiền hơn 24,9 tỷ đồng trong tài khoản Công ty MHD.

Loạt đại gia bị "nhốt tiền"

Về phần mình, sau khi biết tài khoản của MHD không còn tiền, anh Dũng đã dùng sức ép từ đám đông (khoảng 30 người) mang mầu sắc, hành vi “xã hội đen” tìm đến phòng giao dịch Đông Đô, trụ sở chính của VAB uy hiếp, gây áp lực với nhân viên VAB… 

Ngày 11/12/2018, VAB đã buộc phải tạm ứng 25 tỷ đồng cho Công ty MHD để trả cho anh Dũng số tiền trên. Số tiền này được cơ quan tố tụng xác định là thiệt hại của VAB, do hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo Quản Trọng Đức gây ra.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Đức có đơn trình bày rằng, khoản tiền tại các sổ tiết kiệm đang gửi tại VAB là tài sản hợp pháp của anh. Anh được cán bộ ngân hàng VAB thông báo, tài khoản cá nhân và 5 quyển sổ tiết kiệm của anh đã bị ngân hàng phong tỏa. 

Anh Nguyễn Văn Đức đề nghị Tòa buộc VAB chấm dứt việc phong tỏa tài khoản cá nhân và sổ tiết kiệm mang tên anh, do anh không liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Thành tại VAB và những sai phạm, thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng.

Trong số những người đứng tên đồng sở hữu với “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành gửi tiền tiết kiệm đã phải khốn khổ vì không rút được hàng chục tỷ đồng do tài khoản bị ngân hàng phong toả còn có anh Triệu Hùng Cường. 

Trả lời thẩm vấn của luật sư về việc giữ tiền của khách hàng là đồng sở hữu với bị cáo Thành, đại diện VAB giải thích: "Chúng tôi không phải là tạm giữ, hay tất toán tiền của ai cả. Khi có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi có trách nhiệm báo lên, trình lên các cơ quan pháp luật để điều tra".

Khi luật sư hỏi: "Vậy theo ông các dấu hiệu đó là gì?", đại diện VAB đáp: "Tôi không trả lời".

Trước phiên xét xử, VietABank có văn bản gửi các cơ quan điều tra, tố tụng, thông báo ngân hàng "đã rút tất toán toàn bộ số tiền" trong các sổ tiết kiệm của các khách hàng này để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Cho rằng việc này là không đúng, luật sư hỏi: "VietABank dựa vào đâu để làm vậy?". Đại diện VAB không hồi đáp.

Trong vụ án này, còn một loạt các đại gia khác cũng lâm vào cảnh bị ngân hàng “nhốt tiền” như anh Cường. Trong đó, bà Triệu Thị Tuyết Trinh cho hay, bị VAB giam 3 sổ tiết kiệm, tổng giá trị 75 tỷ đồng.

Ông Đặng Nghĩa Toàn có một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở VietABank, 4 sổ tiết kiệm khác trị giá 50 tỷ đồng ở NCB và 4 sổ trị giá 52 tỷ đồng tại PVcomBank.