Trải qua 6 tháng đầu năm nhiều biến động
Nhìn lại nửa đầu năm hoạt động, ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, chưa bao giờ Công ty gặp khó khăn lớn như vậy kể từ khi đi vào hoạt động. Sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 2/2020 đến nửa đầu tháng 4/2020 đã kéo theo giá dầu giảm sâu, tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn, tồn kho của Dung Quất cao, có thời điểm lên đến 90%, các bể chứa đầy ắp, nhà máy đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.
Theo Tạp chí Platts công bố, giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, khoảng chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack spread) thường xuyên ở mức âm. Như sản phẩm Mogas 95 được coi là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho BSR nhưng trong tháng 4 cũng ghi nhận crack spread trung bình của tháng là - 2,98 USD/thùng (tức là cứ bán ra mỗi thùng, BSR lỗ 2,98 USD). Nhìn chung, crack spread của tất các dòng sản phẩm đều giảm sâu, vượt xa kết quả thực hiện năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của BSR.
Trong tình thế căng như dây đàn, Ban lãnh đạo BSR quyết tâm duy trì nhà máy vận hành liên tục, áp dụng mọi giải pháp để chèo chống qua khó khăn, tránh những đổ vỡ dây chuyền.
Loạt giải pháp “vượt khó”
Trong khó ló cái khôn, một loạt giải pháp sáng tạo đã được áp dụng như tối ưu dầu thô chế biến, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô có giá thấp.
Tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành. Tận dụng cơ hội mua spot (hợp đồng chuyến) dầu thô trong nước với phụ phí thấp. Phối hợp với khách hàng để tối đa hóa tiêu thụ sản phẩm. Bám sát thị trường, tăng cường công tác dự báo và phân tích, linh hoạt, tối ưu hóa sản xuất với các chế độ vận hành khác nhau. Tối ưu hóa sản phẩm để tìm cơ hội bán các sản phẩm trung gian có giá trị kinh tế cao nhằm gia tăng hiệu quả SXKD. Tăng cường rà soát, kiểm soát, cắt giảm và tối ưu chi phí SXKD góp phần tăng hiệu quả SXKD của Công ty.
Chủ động làm việc với nhà cung cấp dầu thô giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển. Tăng cường công tác quản trị dòng tiền, triển khai các giải pháp như tối ưu số dư tiền gửi không kỳ hạn, sử dụng linh hoạt giữa vay vốn lưu động và gửi tiền có kỳ hạn nhằm tận dụng lãi suất vay ưu đãi để tăng thu nhập tài chính cho Công ty.
Bên cạnh đó, công tác thu xếp ngoại tệ để thanh toán dầu thô và hàng hóa dịch vụ luôn được đảm bảo chính xác, đúng hạn, tỷ giá ngoại tệ thực hiện/mua được luôn thấp hơn tỷ giá niêm yết tại các Ngân hàng góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tháng 6, BSR đã kinh doanh tốt và bắt đầu có lãi, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. |
Kết quả, Nhà máy vận hành an toàn, ổn định, liên tục với công suất trung bình trên 105% công suất thiết kế. Khối lượng sản xuất khoảng 3,43 triệu tấn, đạt 61,7% kế hoạch năm và 106,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020. Tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 3,35 triệu tấn, đạt 60,3% kế hoạch năm và 104,3% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020. Công ty đã nộp ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2020 của BSR cho thấy, trong tháng 4 và 5/2020 ghi nhận lỗ nhưng sang tháng 6 BSR đã kinh doanh tốt và bắt đầu có lãi, chấm dứt tình trạng lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, tháng 6 lãi hơn nghìn tỷ đồng cũng chưa bù được các khoản lỗ ở các tháng trước.
Ghi nhận lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020 âm 4.229,9 tỷ đồng. Mức lỗ này thấp hơn so với kịch bản mà PVN và BSR đã đưa ra nếu không áp dụng khẩn cấp các giải pháp ứng phó với tác động kép.
6 tháng đầu năm 2020, BSR đã sản xuất khoảng 3,43 triệu tấn, đạt 61,7% kế hoạch năm. |
Trong nửa cuối năm 2020, BSR dự kiến sản lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu khoảng 23,6 nghìn tỷ đồng và nộp NSNN khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng, kết quả kinh doanh có thể bắt đầu phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020, với giả định dịch Covid-19 không bùng phát trở lại, và giá dầu biến động sát với kỳ vọng.
Việc quan trọng nhất đối với BSR trong quý III/2020 là tổ chức công tác chuẩn bị và thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần 4 NMLD Dung Quất đảm bảo an toàn, chất lượng, tiết kiệm chi phí, phấn đấu rút ngắn thời gian để tăng hiệu suất hoạt động của Nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất. Bảo dưỡng tổng thể không chỉ nâng cao “sức khỏe” cho NMLD Dung Quất mà còn gián tiếp giúp khâu kinh doanh bán hàng thêm thuận lợi - tận dụng cơ hội các chi phí sản xuất của Nhà máy giảm do dừng bảo dưỡng gần 2 tháng.
Bên cạnh đó, BSR tiếp tục đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu đa dạng hoá nguồn dầu thô, tỷ lệ phối trộn; tối ưu hoá công suất vận hành nhà máy và các phân xưởng, linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với tình hình thị trường, giảm hao hụt, tiêu hao nội bộ...
(Nguồn: BSR)