Giá thép lao dốc, lợi nhuận các 'đại gia' thép giảm

Trước áp lực sức tiêu thụ thép trên thị trường sụt giảm, các doanh nghiệp thép liên tục điều chỉnh hạ giá sản phẩm. Tính từ ngày 11/5 đến nay, giá thép trong nước đã giảm 10 lần liên tiếp, với tổng mức giảm cao nhất tới hơn 3,6 triệu đồng.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thị trường thép nửa cuối năm nay sẽ khó khăn hơn khi giá thép xây dựng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước. Những yếu tố này khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khó đạt kỳ vọng.

Một loạt doanh nghiệp ngành thép vừa báo lãi quý II/2022 giảm sâu, có doanh nghiệp giảm đến 98%, thậm chí thua lỗ.

Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 37.714 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng 6% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 59%, xuống còn 4.023 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 24% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

 Lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép giảm. Ảnh: Hoàng Hà

Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) cũng công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế giảm đến gần 92% so với cùng kỳ, xuống còn 42,5 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - Vnsteel (mã TDS) báo doanh thu quý II/2022 với lợi nhuận sau thuế âm gần 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6,1 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thép Mê Linh (mã MEL) báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu giảm 23% so với cùng kỳ, đạt hơn 162 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 93% xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ đồng.

Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) cũng vừa báo, lãi quý II/2022 giảm đến 90% so với cùng kỳ xuống còn gần 6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận 6.923 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 66% xuống 34,9 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của CTCP Gang thép Cao Bằng (mã CBI) cũng giảm tới 88% xuống còn 17,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận sau thuế của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) trong quý II/2022 chỉ đạt 3,8 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lãi ròng 7,4 tỷ đồng, giảm 42,5% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp thép dính nợ xấu

Gần đây, nhiều ngân hàng liên tiếp rao bán và thẩm định giá các khoản nợ xấu giá trị hàng trăm tỷ đồng tại nhiều công ty thép.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản là khoản nợ gần 233 tỷ của Công ty CP Hoàng Long Steel tại chi nhánh Hải Dương. BIDV cho biết, tổng dư nợ của Công ty Hoàng Long đến ngày 31/5/2022 là gần 232,5 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là hơn 135,3 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là 97 tỷ đồng.

Vào tháng 5, BIDV cũng thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định tài sản đảm bảo cho khoản nợ hình thành từ năm 2012 của CTCP Luyện cán thép Sóc Sơn (trụ sở tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Khoản nợ gốc của công ty này là 321,461 tỷ đồng. Đến cuối tháng 2/2022, chỉ tính số tiền nợ lãi của công ty này đã lên tới 445,9 tỷ đồng và 98.758 USD. 

Cách đó không lâu, BIDV cũng rao bán khoản nợ trị giá 440 tỷ đồng của Công ty CP Thép Việt Nhật. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 2 bất động sản tại Hải Phòng gồm số 159 Bạch Đằng và Nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng.

Ngân hàng này đã 10 lần rao bán khoản nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga. Trong đó, dư nợ gốc là gần 267 tỷ đồng và dư nợ lãi, phí phạt chậm trả là gần 209 tỷ đồng. Khoản nợ này được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản và nhà xưởng thuộc sở hữu của công ty và các cá nhân có liên quan.

Một ngân hàng khác là ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng rao bán nhiều tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu tại một số doanh nghiệp thép.

Mới đây, VietinBank Ngô Quyền thông báo bán tài sản bảo đảm của Công ty sản xuất thép Úc SSE để thu hồi nợ vay. Tài sản thế chấp cho khoản vay trên là 3 căn biệt thự tại lô C-12D Khu du lịch sinh thái Prime - Prime resorts and Hotels, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà.

Trước đó, VietinBank cũng thông tin có nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuân Hưng, một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thép, tại chi nhánh Bắc Đà Nẵng. Tổng dư nợ của Công ty Cổ phần Xuân Hưng tính đến ngày 26/6/2022 là 28,7 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 17,7 tỷ đồng, nợ lãi hơn 11 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 295, tờ bản đồ số 19, địa chỉ: số 56, Phan Châu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. 

Vua thép gặp khó, đại gia Hồ Hùng Anh vượt tỷ phú Trần Đình LongThị trường biến động mạnh khiến vị trí của các tỷ phú cũng thay đổi nhanh chóng. Lần đầu tiên ông Hồ Hùng Anh soán ngôi đại gia thép Trần Đình Long, trở thành người giàu thứ 4 tại Việt Nam.