Những ngày qua có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc thầy giáo ở Cà Mau có những lời nói xúc phạm học sinh.
Câu chuyện bắt đầu khi thầy giáo ngồi ở bàn giáo viên bất ngờ đập mạnh xuống bàn, chỉ tay và nói: "... học dốt... viết đoạn văn 150 chữ, thi làm không được, giờ tôi hướng dẫn không nghe. Đầu trâu, đầu chó gì đó, không phải đầu người. Dạy cái lớp, không muốn vô lớp, nói thẳng ra là vậy đó...".
Là đồng nghiệp, tôi rất thông cảm khi thầy còn thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc để nói ra những lời không đẹp, không hay nhưng đây cũng là bài học thầy cần khắc ghi.
Không chỉ riêng thầy, nhiều giáo viên khác cũng dễ nổi nóng khi dạy học sinh. Bản thân tôi cũng từng có bài học sâu sắc khi mới ra trường. Hôm nay, tôi xin được kể lại câu chuyện này mong các đồng nghiệp có thêm kinh nghiệm trong xử lý tình huống phát sinh trong dạy học.
37 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi trong lòng và có lẽ không bao giờ quên được lời nhắn gửi của một phụ huynh ngày đó. Nó như một bài học vỡ lòng khi tôi mới vào nghề "gõ đầu trẻ". Năm 1986, tôi nhận quyết định về giảng dạy ở trường phổ thông cơ sở Diên Tân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - một xã kinh tế mới của huyện Diên Khánh lúc bấy giờ.
Đời sống người dân nơi đây hết sức khó khăn. Hàng ngày, họ chỉ biết vào rừng chặt củi về bán để sống qua ngày. Nhiều học sinh sáng đến trường, chiều theo cha mẹ vào rừng chặt củi. Đồng ruộng khô cằn, người dân chỉ canh tác được một vụ vào tháng mười âm lịch khi bắt đầu có mưa.
Hôm đó, thấy nhiều học sinh lớp 7 đi chân không vào lớp, tôi liền nói: “Các em ở trên này nên giống người ở đây rồi đấy”. Ý tôi muốn nói các em không đi dép như thói quen của người dân nơi đó hay để chân trần. Bản thân tôi nghĩ đơn giản như vậy và không hề có ý nghĩ xúc phạm.
Không ngờ, tối hôm ấy, có 3 phụ huynh đến khu tập thể nơi tôi ở. Tình huống này khiến tôi bối rối, tôi thật sự tôi không biết phụ huynh gặp tôi có chuyện gì. Một phụ huynh hỏi: “Tại sao thầy nói con tôi như vậy?”. Lúc này, tôi mới hiểu rằng câu nói sáng nay của mình đã gây ra sự không hài lòng cho phụ huynh.
Tôi hoang mang vì lần đầu tiên tiếp phụ huynh trong tình thế này. Tôi không biết họ có hiểu ý của tôi không (muốn nhắc nhở các em chứ không định xúc phạm các em hay tập tục của người dân địa phương)?
Thật sự, tôi hơi run vì mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề với phụ huynh. Tôi cố bình tĩnh, trả lời: “Ý tôi muốn nói các em phải đi dép, không nên đi chân không lỡ không may dẫm phải đinh, gai rất nguy hiểm”.
Một phụ huynh khác lên tiếng: “Con tôi làm gì có dép để đi?”. Lúc này, tôi thật sự hối hận không biết được phụ huynh rất nghèo, không có tiền mua cho con đôi dép đi học. Tôi chỉ biết nói lời xin lỗi... Rất may, sau đó, phụ huynh cũng hiểu và thông cảm về lời nói của tôi. Khi ra về, phụ huynh nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Thầy cần phải học nói”.
Tôi rất buồn và tự trách mình chưa tìm hiểu vì sao nhiều em không có dép mà vội nói như vậy và tôi cũng buồn vì lời nói của mình dù chỉ xuất phát từ nỗi lo cho học trò. Tuy buồn nhưng qua đó cũng thêm kinh nghiệm sống: Hãy thận trọng trước khi nói, nhất là đối với học sinh. Thầy cô cần phải tìm hiểu kỹ vì mỗi em có hoàn cảnh khác nhau, năng lực nhận thức không giống nhau nên cần tiếp cận, sẻ chia giúp các em. Đừng để lời nói thốt ra một cách vội vã và nỗi ân hận kéo dài.
Điều 6 Thông tư 06 cũng đã quy định về việc ứng xử của giáo viên đối với người học. Đó là: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Thầy cô không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Khi giáo viên xúc phạm học sinh sẽ bị xử lý theo Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Nghị định này quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học.
Đó là phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, thầy cô cũng không được xúc phạm gây tổn thương cho học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Thầy cô cũng không dùng lời lẽ thiếu chuẩn mực, mất kiểm soát hành vi đối với học trò với lời bao biện “thương cho roi cho vọt…”.
Mỗi khi trò vi phạm, thầy cô cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để giúp các em tránh sai lầm lần sau đó mới chính là giáo dục tích cực trong trường học.
Kể lại câu chuyện của mình, tôi mong đồng nghiệp hãy hiểu rằng ở những nơi học sinh còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nếu không thể giúp được các em cũng nên thông cảm, đừng bắt học sinh phải theo những quy định do thầy cô đặt ra, vô tình làm khó học sinh như: phải có thắt lưng, không được đi dép không có quai hậu, phải mặc đồng phục, phải có cặp đựng sách vở...
Trong quá trình học, trò phạm lỗi, sự thấu hiểu, cảm thông và tôn trọng sẽ giúp người thầy cảm hóa được trò để các em thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đúng nghĩa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả nghĩ gì về vấn đề này có thể gửi ý kiến về phần phản hồi của bài viết hoặc email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |