Theo UBND tỉnh Long An, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng pháp luật. Thông qua các kênh báo chí truyền thông, cơ quan nhà nước đã tương tác đa chiều với người dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với những chính sách, quy định pháp luật mới ban hành hoặc điều chỉnh để phù hợp thực tiễn cuộc sống. Truyền thông chính sách cũng góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách pháp luật, cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

chuan.jpg
Tỉnh Long An đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền một cách toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đa hình thức, đa nền tảng.

Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng, tỉnh Long An đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền một cách toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đa hình thức, đa nền tảng như: Báo chí, truyền thanh, thông tin cơ sở, trực quan, lưu động, tuyên truyền miệng, Website, màn hình điện tử công cộng và đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. 

Cụ thể, Báo Long An mở chuyên trang “Pháp luật – Công dân”; Đài Phát thanh và Truyền hình Long An có “Chuyên đề pháp luật”; có 188 Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn có và 1.555 cụm loa tại các ấp/khu phố; có 89 bảng tin điện tử thường xuyên phổ biến các chính sách pháp luật mới ban hành. 

Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách còn được đăng phát trên cổng, trang thông tin điện tử, website tổng hợp, website nội bộ, ứng dụng chuyên ngành và cá nhân; Fanpage Facebook, trong đó có 45 Fanpage Facebook thuộc các cơ quan Đảng và Nhà nước trong tỉnh. 

Tỉnh Long An đã chỉ đạo các Sở ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền trên báo chí truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận; chủ động nắm bắt, tiếp nhận thông tin, kịp thời giải quyết, cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí, dư luận xã hội quan tâm, phản ánh; phát huy vai trò của người đứng đầu, người phát ngôn trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức theo dõi, xử lý nhanh các thông tin báo chí truyền thông đăng tải có nội dung nhạy cảm, gây bức xúc dư luận trên địa bàn tỉnh. 

 Các cơ quan Báo, Đài của tỉnh tổ chức truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chủ trương, chính sách và trong quá trình thực thi chính sách; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại; tuyên truyền đậm nét trên hệ thống thông tin cơ sở, các phương tiện truyền thông mới, nền tảng mạng xã hội… 

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng yêu cầu kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác truyền thông tại cơ quan, địa phương theo hướng bố trí bộ phận, nhân sự có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về truyền thông chính sách, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông.

Đặc biệt, để phát huy công tác truyền thông chính sách, tỉnh Long An đã thành lập Bộ phận truyền thông chính sách của tỉnh, thành phần gồm: Người phát ngôn của UBND tỉnh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Tổ phó; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Thành viên thường trực; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An làm thành viên. Trong đó, quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp công tác của Bộ phận truyền thông chính sách tỉnh; quy định mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và với các cơ quan báo chí truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh; quy định nhiệm vụ cụ thể thành viên Bộ phận truyền thông chính sách tỉnh.

Việc thành lập Bộ phận truyền thông chính sách tỉnh cho thấy sự tập trung nâng tầm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của công tác truyền thông chính sách. Qua đó góp phần thông tin tuyên truyền đúng định hướng, đưa tin kịp thời, trung thực, toàn diện, phong phú về tỉnh Long An.

Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông chính sách, trong thời gian tới tỉnh Long An sẽ tiếp tục kiện toàn Bộ phận thực hiện truyền thông chính sách tại các ngành, các cấp; tổ chức truyền thông chính sách đồng bộ từ giai đoạn chuẩn bị ban hành, khi ban hành và thực thi chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống…

Đồng thời, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác truyền thông chính sách của tỉnh.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV