Ngày 4/9, phát biểu kết luận Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20 khóa 9, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kết quả ta đạt được rất đáng trân trọng.

“Đây là cuộc đấu tranh cam go, không ngừng không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, nói đi đôi với làm”, ông Chiến nói.

Chien MTTQ.jpg
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Minh Đạt

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thực tế đã chứng minh như vậy và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu rất quan trọng về vấn đề này.

Trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm 2 ý: Một là chúng ta phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước; hai là phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải triển khai đến tận chi bộ chứ không chỉ làm ở Trung ương.

Ông Chiến cho biết, Mặt trận tiếp thu theo hướng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc phát hiện, giám sát việc xử lý những cá nhân vi phạm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo của Mặt trận sẽ rà soát lại thể hiện đậm nét hơn, rõ ràng hơn về nội dung này.

“Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy lòng dân phẫn nộ, xót xa khi thấy hàng nghìn tỷ đồng của chúng ta tuồn ra nước ngoài từ các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy phải kiên quyết đấu tranh, thống nhất chủ trương, ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; kịch liệt phản đối hành vi tham nhũng, tiêu cực”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói.

Muốn có đoàn kết thật sự thì Mặt trận phải vững mạnh

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, với phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân” trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.

Nhiều địa phương, tập trung chỉ đạo điểm và phát triển những mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Do đó, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là việc vận động nhân dân phát huy các nguồn lực xã hội, đoàn kết góp công, góp của để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, ông Túc cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, nhân dân chính là những người phát hiện ra các vụ tiêu cực, tham nhũng và phản ánh tới Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.

"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa", ông Nguyễn Túc lưu ý.

HuynhDam.jpg
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm. Ảnh: Minh Đạt

Cùng quan tâm đến vai trò của MTTQ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Theo ông Huỳnh Đảm, muốn có đoàn kết thật sự thì Mặt trận phải vững mạnh, từ đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, điểm mới của dự thảo lần này là nêu cụ thể một số giải pháp thực hiện yêu cầu đổi mới về tổ chức của MTTQ Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Trong đó có việc tổng kết thực tiễn để đánh giá cơ bản, toàn diện về tổ chức bộ máy và việc vận hành tổ chức bộ máy trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Tăng cường củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống MTTQ Việt Nam.

Ông Lê Bá Trình cũng đề nghị bổ sung "vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", chứ không nên chỉ dừng lại ở công việc khích lệ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.