Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Ghi nhận tại các cổng trường học tại Hà Nội, không ít học sinh mặc đồng phục THCS, THPT đi xe máy hoặc xe máy điện, phóng nhanh vượt ẩu. Thậm chí có những em không đội mũ bảo hiểm, chở 2-3 người trên một xe, vừa đi vừa nói chuyện hoặc gọi điện thoại…

Thống kê của Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tại đây xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh. Qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, lực lượng công an đã phạt tại chỗ 516 trường hợp là trẻ vị thành niên.

hoc sinh vi pham luat 2 771.jpg
Hình ảnh học sinh vi phạm luật giao thông dễ bắt gặp trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Đình Hiếu 

Tương tự, tại Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 6 em tử vong, 17 em bị thương.

Tại Bắc Giang, chỉ trong 3 ngày từ 6-8/6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh khiến 3 em phải đi cấp cứu, 2 xe máy hư hỏng nặng. 

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người.

Bộ Công an đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp. Phổ biến nhất là hiện tượng học sinh THCS, THPT đi xe máy điện, xe máy, mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe cho học sinh 

Mới đây, cử tri tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét quy định về việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lái xe cho các em học sinh từ 15 tuổi, qua đó giúp các em đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Ủng hộ kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, cả nước có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông trung học chiếm 30 - 40%.

Theo ông Tạo, hiện nay các trường đã có những tiết học lồng ghép về trật tự an toàn giao thông, gồm cả nội dung về điều khiển xe máy dưới 50 phân khối. Tuy nhiên, việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa. Thậm chí cần phải có chấm điểm đối với các em ở những tiết học này. 

Liên quan đến vấn đề này, trả lời cử tri tỉnh Bắc Kạn, Bộ GTVT thừa nhận, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

“Để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, trong đó có giải pháp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lái xe cho các em học sinh các cấp học, qua đó giúp các em có nhận thức, kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”, Bộ GTVT thông tin.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT cho biết trong thời gian tới sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… để triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học, ngành học.