Lai Châu là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc. Ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu cho biết: địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn.

Theo đó, sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, học sinh dễ bị tổn thương. Các em cũng là nhóm đối tượng thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Do đó, để kịp thời ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” thì việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh thông qua chương trình giáo dục và hoạt động ngoại khóa là cần thiết.

Đây cũng chính là lý do, trong tháng 11 vừa qua, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức 2 hội thảo tập huấn lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục cấp THCS tại tỉnh Lai Châu.

Hội thảo tập huấn với mục đích hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường THCS của tỉnh Lai Châu cách thức tổ chức triển khai, lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh THCS.

W-ts-ngo-viet-hoan-1.jpeg
Tiến sĩ Ngô Việt Hoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ các phương thức lồng ghép kiến thức PCTT vào chương trình giảng dạy các môn học

Hội thảo đã thu hút hàng trăm cán bộ, giáo viên từ thành phố Lai Châu và 7 huyện thuộc tỉnh tham gia. Tại hội thảo, Tiến sĩ Ngô Việt Hoàn, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ các phương thức lồng ghép kiến thức PCTT vào chương trình giảng dạy các môn học.

Các giáo viên đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến tham luận, nêu rõ những hoạt động điển hình đơn vị mình đang triển khai hiệu quả cũng như những thách thức khó khăn trong quá trình lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình môn học.

Từ đó đưa ra các giải pháp để hoạt động tích hợp bài bản và hiệu quả hơn, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà trường đến công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai 

Cũng tại hội thảo ông Nguyễn Huỳnh Quang, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý thiên tai cộng đồng đã giới thiệu Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Đề án 553), các chỉ đạo liên quan đến ngành giáo dục cũng như chia sẻ những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai Đề án.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.

Cụ thể, đến hết năm 2025, phấn đấu đạt được những mục tiêu sau:

 Nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương;

Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng; Người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai.

Đến hết năm 2030, phấn đấu:

100% cán bộ, viên chức, cá nhân khi tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh thuộc đối tượng 4 và đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được phổ biến về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng, chống thiên tai;

100% người dân ở các xã thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% các bậc đào tạo phổ thông đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy; 100% số xã xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng... Phấn đấu 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.

Thông qua hội thảo tập huấn lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục cấp THCS tại tỉnh Lai Châu, với những ý kiến đánh giá sát thực, những bài học kinh nghiệm hay, BTC  hi vọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống thiên tai trong những năm tới sẽ đạt được những kết quả nhất định. 

Huyền Anh