Đến chiều ngày 16/10, toàn huyện Lệ Thuỷ có hơn 600 nhà bị ngập lụt. Các tuyến đường như: Võ Nguyên Giáp, Hùng Vương, tỉnh lộ 564, đoạn từ ngã 3 Cam Liên đến chân cầu Kiến Giang (quốc lộ 9C)… bị ngập sâu từ 0,5-1m. 

Đây cũng là địa phương có số hộ bị ảnh ngập lụt nhiều nhất tỉnh Quảng Bình trong đợt mưa lớn kéo dài hơn 2 ngày qua .

Nhiều nơi tại huyện Lệ Thuỷ ngập từ 0,5m -1m. Ảnh: CTV

Mưa lũ cũng làm ngập 25 trường học nhưng nhờ chủ động kê cao và di chuyển trang thiết bị đến khu vực cao ráo nên hầu như cơ sở vật chất không bị thiệt hại.

Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, huyện Lệ Thủy đã chủ động các phương án ứng phó như di dời dân các vùng trũng thấp, các vùng có nguy cơ sạt lở. Tại các địa phương, việc chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm đề phòng chia cắt, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, có đồng bào dân tộc sinh sống, nguy cơ cô lập dài ngày cũng được triển khai...

Giao thông trên địa bàn bị chia cắt - Ảnh: CTV
Người dân phải dùng thuyền để di chuyển - Ảnh: B.T

Bà Thái Thị Sơn (54 tuổi, trú huyện Lệ Thủy) cho biết: "Đến chiều tối nay, nước lũ cũng bắt đầu rút nhưng rất chậm, chúng tôi vô cùng lo lắng. Nếu có mưa to do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh thì rất dễ xảy ra lũ chồng lũ. Khi đó thiệt hại đối với người dân sẽ khó lường".

Người dân đi mua nhu yếu phẩm - Ảnh: B.T

Trường học bị ngập - Ảnh: CTV
Đến chiều nay nước bắt đầu rút nhưng rất chậm - Ảnh: B.T
Người dân lo lắng nếu có mưa to do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh thì rất dễ xảy ra lũ chồng lũ - Ảnh: B.T

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay các điểm sạt lở đang được khắc phục cơ bản. Huyện chỉ đạo các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở để khắc phục, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn xảy ra trong đêm.