Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh Cao Bằng. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức cao, với hơn 42,4% hộ gia đình thuộc diện nghèo, giảm gần 7% so với năm trước đó. Địa phương xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì thế huyện linh hoạt trong việc lồng ghép các chương trình, dự án để tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ cho người dân nghèo.

W-giam ngheo mien nui.jpg
Huyện Bảo Lâm linh hoạt trong việc lồng ghép các chương trình, dự án để tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ cho người dân nghèo.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm, thế mạnh của từng xã, vùng dân cư sinh sống, huyện Bảo Lâm lựa chọn và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Hiện nay, một số mô hình đã và đang phát huy hiệu quả như: mô hình trồng hồi, quế, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gà hữu cơ…

Gia đình chị Dương Thị Ngoãn, xã Quảng Lâm, là hộ cận nghèo tham gia mô hình chăn nuôi gà hữu cơ với quy mô 50 con, năm trong Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chị Ngoãn chia sẻ trước đây gia đình chủ yếu trồng ngô, lúa, thu nhập rất thấp. Khi tham gia dự án, chị được học lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi. Quá trình nuôi gà, gia đình chị cũng được cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn. Sau hơn 5 tháng, đàn gà đã cho lứa trứng đầu tiên, bước đầu thu về 5 triệu đồng từ tiền bán trứng.

Nhờ nguồn thu có được từ mô hình sinh kế này, chị chắt chiu gom góp, có tiền cho các con ăn học. Gia đình chị cũng thoát diện hộ cận nghèo.

Cũng như chị Ngoãn, tại 2 xã Quảng Lâm, Thái Học của huyện Bảo Lâm có gần 30 hộ tham gia mô hình nuôi gà hữu cơ. Mô hình đã chứng tỏ đây là giống gà có sức đề kháng tốt, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với phương thức nuôi chăn thả của đồng bào miền núi.

Nhiều gia đình tham gia mô hình đã nỗ lực vươn lên, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong xóm. Đặc biệt, các hộ trong mô hình đến nay đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây chính là động lực mạnh mẽ để các hộ tiếp tục phấn đấu vươn lên quyết không tái nghèo.

Xã Lý Bôn (Bảo Lâm) xác định hồi là một trong những cây chủ lực, vì vậy, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng theo mô hình trồng cây hồi mới, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời cải tạo những diện tích đã già cỗi, kém hiệu quả. Bên cạnh trồng mới, người dân trồng hồi được hướng dẫn kỹ càng cách chăm sóc, cắt tỉa, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.

Cây hồi có lợi thế thu hoạch trong nhiều năm. Vì vậy, so với nhiều cây trồng khác, cây hồi cho năng suất, sản lượng ổn định, bền vững hơn. Đến nay toàn xã đã có gần 700 hecta hồi, tập trung tại các xóm Phiêng Pẻn, Phiêng Lùng, Phiêng Đăm, Nà Mí… Cả xã hiện nay có gần 40 lò chưng cất tinh dầu.

Để việc chuyển đổi sản xuất cây trồng theo hướng liên kết chuỗi bền vững, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồi.

Phát triển đại gia súc, trọng tâm là đàn bò, là một trong những hướng đi được huyện Bảo Lâm lựa chọn để trở thành nghề đem lại thu nhập chính, giúp người dân vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tại xã Thạch Lâm năm 2024 có hơn 3.300 con bò, chiếm 90% số gia súc trong xã. Trước đây, bà con chăn nuôi theo phương thức thả rông, thuận theo tự nhiên nên thường xảy ra rủi ro. Nay cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng bệnh và áp dụng tiến bộ khoa học. Mô hình nuôi bò đem lại nguồn thu nhập lớn đối với nhiều hộ, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo của địa phương.  

Thời gian qua, từ nguồn vốn hơn 56 tỷ đồng của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bảo Lâm thực hiện 31 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, 5 công trình sửa chữa trường, lớp học; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 63.700 người nghèo; đào tạo nghề cho 400 lao động; giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số ; hỗ trợ 427/434 hộ sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng.