Gần 400 ngôi nhà dột nát, nhà tạm được xây mới, sửa chữa 

Hà Quảng hiện có 4.539 hộ nghèo, chiếm 32,87%, 1.985 hộ cận nghèo, chiếm 14,38%. Lãnh đạo UBND huyện Hà Quảng cho biết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Năm 2024, huyện được giao chỉ tiêu xóa 1.134 ngôi nhà tạm, nhà dột nát với tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), trong số này có 746 nhà xây mới, 388 nhà sửa chữa. Ba tháng đầu năm, huyện đã thực hiện xong việc xây mới và sửa chữa 399 ngôi nhà, số còn lại đang tiếp tục thực hiện trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, đúng địa chỉ.

Tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, để đẩy nhanh chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng, tìm hiểu hoàn cảnh các hộ cần xây dựng nhà ở mới để có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ.

Theo thống kê, xã có 12 hộ hoàn cảnh khó khăn đang sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới. Ngoài nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, việc chăm lo nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự giúp đỡ của đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Cùng đó, xã cũng tuyên truyền, vận động các hộ tự đóng góp để xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Từ các nguồn hỗ trợ, đầu năm 2024 đến nay, xã xóa được 8 nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí 282 triệu đồng. Như vậy, đến nay, 112 ngôi nhà dột nát, nhà tạm trong xã đã được xoá, thay bằng các nhà kiên cố, vững chãi khang trang.

Lồng ghép các chương trình, tối ưu hoá nguồn vốn giúp dân giảm nghèo đa chiều

Thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và tỉnh Cao Bằng, huyện Hà Quảng đã xây dựng hệ thống hồ vải địa kỹ thuật chứa nước mưa và các hệ thống kênh dẫn, giúp bà con vùng cao còn nghèo khó có đủ nước sinh hoạt và phục vụ một phần sản xuất. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất gắn với cộng đồng...

W-giam ngheo dan toc .jpg
Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo.

Các hoạt động này đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, giúp đời sống của người dân được nâng lên, giảm nghèo bền vững, đa chiều. Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, huyện Hà Quảng đạt được nhiều kết quả tích cực cho các vùng dân tộc thiểu số như: 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông.

Để tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ giúp người dân giảm nghèo đa chiều, bền vững, vươn lên làm chủ cuộc sống, Hà Quảng linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án. Huyện đang triển khai dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở cộng đồng, làm thay đổi diện mạo nông thôn và công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập và giảm mức dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH) của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của dự án một cách bền vững, huyện thực hiện các chuỗi giá trị, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các sản phẩm OCOP; hỗ trợ liên kết phát triển các chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương như: trồng gừng trâu, lạc, nuôi lợn… Các hộ chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Toàn huyện thành lập và duy trì hàng trăm nhóm đồng sở thích với sự tham gia của hơn 4.200 hộ sản xuất nông nghiệp, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (trong đó gần 3.000 hộ thuộc diện nghèo). Nguồn vốn của dự án được bố trí để lồng ghép với các chương trình khác và thực hiện một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại các xã như: Mô hình lò sấy nông sản chuyên dùng để sấy ngô hạt và các loại nông sản khác; mô hình gừng trâu tại xã Cải Viên; mô hình ủ chua thức ăn bằng thùng nhựa để phục vụ chăn nuôi trâu, bò tại các xã: Thượng Thôn, Mã Ba, Tổng Cọt. Ngoài ra, các mô hình khác đang phát huy hiệu quả như trồng cỏ pakchong, nuôi gà thả vườn, trồng rau quả nhà lưới, trồng dược liệu, nuôi lợn đen, cung cấp máy ấp trứng cỡ nhỏ, cân điện tử cho nhóm chăn nuôi…