Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/1 nói luật Hải cảnh “phù hợp với thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, ngay trong điều khoản đầu tiên đã giải thích rõ luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển của Trung Quốc.

Hợp thức hóa hành vi gây hấn

Các chuyên gia phân tích cho rằng luật Hải cảnh là nỗ lực tạo tiền đề cho cảnh sát biển Trung Quốc gia tăng hành vi quyết đoán trên Biển Đông. GS Carl Thayer của trường Đại học New South Wales nói: “Trung Quốc chỉ đang hợp thức hóa những việc mà nước này làm và nói rằng ‘luật cho phép việc này’”.

Chuyên gia phân tích ngoại giao hàng hải Christian Le Miere kiêm nhà sáng lập nhóm Archipel có trụ sở ở London và Hague cho rằng, luật “đâm thẳng” vào chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông: “Cảnh sát biển Trung Quốc đã thực hiện hầu hết các hoạt động cưỡng chế hàng hải ở các vùng biển gần. Vì vậy, cần xem xét luật mới vừa được thông qua về vấn đề này”, ông nói.

{keywords}
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), ngôn từ mơ hồ trong văn bản luật có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong vùng biển tranh chấp.

Ông đánh giá: “Dù việc Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh là một thông lệ chung mà các nước khác đã và đang thực hiện nhưng luật này hàm chứa ngôn từ mơ hồ, cần được định nghĩa phù hợp như ‘vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia’.

Điều này cũng có nghĩa là luật này cho phép chính quyền sử dụng vũ lực để khẳng định những quyền đó trước các bên khác ngay cả khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của bên khác. Nhìn chung, luật mới của Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí có thể cản trở những hành động thực thi pháp luật của các bên khác đối với ngư dân Trung Quốc”.

Ông Koh cho rằng khi lực lượng tuyến đầu của Trung Quốc được trao quyền quyết định có nên nổ súng hay không thì bản chất lỏng lẻo của các điều khoản trong luật “có thể dễ bị lạm dụng” và có thể khiến cho tình hình căng thẳng leo thang.

Thượng nghị sĩ Philippines Francis Pangilinan ngày 24/1 đã kêu gọi Manila không được khuất phục trước động thái gần đây của Bắc Kinh khi cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài tại các vùng biển mà Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. 

Thượng nghị sĩ Pangilinan cho rằng, Philippines không nên sợ hãi trước luật của Trung Quốc: "Chúng tôi bác bỏ và không công nhận các luật lệ nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Và tôi tin chắc rằng chúng ta không phải là một quốc gia hèn nhát”.

Hành xử của Mỹ khi Tổng thống mới nhậm chức

Nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông từ ngày 23/1 để thúc đẩy quyền “tự do hàng hải” như một lời đáp trả hành động của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống ngày 20/1. Báo chí Mỹ cho biết, theo kế hoạch, nhóm tàu sân bay sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến trong thời gian ở Biển Đông.

{keywords}
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông. Ảnh: US Navy

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/1, nhóm tàu tác chiến "được triển khai theo kế hoạch để đảm bảo tự do đi lại trên biển". Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, an ninh và những giá trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...".

Còn Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy hải đội tác chiến, cho biết các hoạt động này là nhằm “trấn an các đồng minh và đối tác”.

Nhiều người lo ngại khả năng chính quyền Biden sẽ không mạnh tay với Trung Quốc như thời ông Trump. Tuy nhiên, chuyên gia Scott Kennedy, làm việc tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington, bình luận: “Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông Trump đã thông báo một loạt biện pháp hạn chế và trừng phạt chống Trung Quốc, khiến chính quyền mới của ông Biden về mặt kỹ thuật và chính trị khó lòng rút lại”.

Trong khi đó, Zhiqun Zhu - Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế tại trường ĐH Bucknell - nói: “Có sự đồng thuận lưỡng đảng tại Washington về việc phải mạnh tay hơn với Trung Quốc”.

Antony Blinken, tân Ngoại trưởng Mỹ, cũng đã xác nhận rằng, dù ông không đồng ý với cách Trump thực hiện chính sách đối với Trung Quốc, nhưng ông thấy “cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh của cựu Tổng thống là đúng”.

Còn Avril Haines, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, cho biết bà ủng hộ “lập trường cứng rắn” đối với Bắc Kinh, và “cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Trung Quốc phải đáp ứng về cơ bản thực tế một Trung Quốc đang đặc biệt quyết đoán và hung hăng”.

Tờ Washington Post ngày 21/1 nêu rõ: “Đúng vào lúc 12h04 (giờ Mỹ) ngày 20/1, trong khi Tổng thống Biden đang đọc diễn văn nhậm chức, Trung Quốc đã công bố quyết định trừng phạt các quan chức trong chính quyền Mỹ mãn nhiệm”.

Theo báo này, khi hành động như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ "đánh" vào nội các Trump đã mãn nhiệm, mà còn tìm cách bắt nạt và đe dọa chính quyền Mỹ sắp tới, ép họ phải thay đổi chính sách. Thủ đoạn này, Washington Post bình luận, chắc chắn sẽ thất bại vì nhiều lý do.

Việt Hoàng

Thông qua luật Hải cảnh, Trung Quốc ‘thăm dò’ chính quyền mới của Mỹ

Phần 1: Thông qua luật Hải cảnh, Trung Quốc ‘thăm dò’ chính quyền mới của Mỹ

Trung Quốc lấy ý kiến về dự thảo luật này từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc công bố luật chỉ diễn ra 2 ngày sau khi ông Trump mãn nhiệm và ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.