Văn bản gây tranh cãi của Bộ Công Thương
Mới đây, Bộ Công Thương có Văn bản số 2660 gửi thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện nghiêm quy định về giá bán xăng dầu.
Dẫn quy định tại Nghị định 95, văn bản của Bộ Công Thương cho biết: "Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình, phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố".
Đáng chú ý, đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ: Nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh, nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.
Dẫn căn cứ quy định trên, Bộ Công Thương cho biết, chỉ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được bán xăng dầu không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu (nơi xuất phát nguồn hàng của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu).
Việc quyết định giá bán thực tế để bù đắp chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành phải được kiểm toán và các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu của thương nhân phải thông báo với Bộ Công Thương.
Văn bản trên của Bộ Công Thương ngay sau đó đã vấp phải sự phản ứng từ các thương nhân phân phối xăng dầu. Họ cho rằng điều này là không công bằng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, quy định này của Bộ Công Thương đã "bỏ quên" gần 400 thương nhân phân phối xăng dầu được phép quy định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình tại vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với vùng 1 như đã quy định trước đây.
Quy định này cũng khiến các thương nhân phân phối xăng dầu không mặn mà trong việc phát triển hệ thống phân phối đến vùng 2 để phục vụ nhu cầu xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp tại địa bàn này.
Quy định gây tâm lý bất an và xáo trộn hệ thống
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng ngay lập tức có văn bản gửi tới Bộ Công Thương đề nghị làm rõ.
Cụ thể, lãnh đạo Hiệp hội này cho biết đã nhận được đơn đề nghị của thương nhân phân phối xăng dầu ở các tỉnh phía Bắc về việc "Xin được thực hiện bán giá xăng dầu vùng 2 ở những địa bàn miền núi xa cảng, xa kho xăng dầu".
Theo Hiệp hội xăng dầu, bản chất của điều khoản nêu trên là quy định về trách nhiệm và thẩm quyền cũng như những nguyên tắc xác định giá bán lẻ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với những địa bàn vùng xa.
Trên cơ sở mức giá đó, thương nhân phân phối lấy hàng của thương nhân đầu mối sẽ quyết định giá bán buôn, bán lẻ thuộc hệ thống của mình tại địa bàn đó nhưng không được vượt quá mức giá do thương nhân đầu mối quy định.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xăng dầu, tại văn bản của Bộ Công Thương vừa qua lại chỉ đề cập đến trách nhiệm và thẩm quyền quyết định giá của thương nhân đầu mối mà không đề cập tới thẩm quyền cũng như trách nhiệm quyết định giá bán của các thương nhân phân phối.
"Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước như Quản lý Thị trường, Sở Công Thương cho rằng chỉ có thương nhân đầu mối mới được bán giá vùng xa còn các thương nhân phân phối thì không được bán, gây tâm lý bất an và xáo trộn hệ thống xăng dầu tại một số địa phương", lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu nhấn mạnh.
Để giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng và nghiêm túc Nghị định 95, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương có văn bản làm rõ thêm về trách nhiệm và quyền thực thi mức giá bán lẻ xăng dầu tại các địa bàn vùng xa của các thương nhân phân phối xăng dầu.
(Theo Dân Trí)