Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan, nhất là trên địa bàn miền Trung. Bão, lũ, sạt lở đất diễn ra liên tục, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và con người nơi đây. Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và truyền thống kiên cường, đoàn kết, tương thân, tương ái của quân và dân Khu 4, lực lượng vũ trang Quân khu không quản ngại gian khổ, hy sinh, tích cực giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn tin tưởng, đánh giá cao.

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, Quân khu 4 là địa bàn có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, không chỉ vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến trong kháng chiến trước đây mà còn là cửa ngõ, phên dậu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế  đưa người dân huyện Phú Lộc đến nơi an toàn. Ảnh: qdnd.vn

Khu 4 có địa hình phức tạp, núi rừng hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Trên địa bàn có 35 con sông và 68 hồ đập chính. Hệ thống giao thông miền núi dễ bị chia cắt cục bộ mỗi khi có m­ưa lớn kéo dài. Tuyến đê biển, đê sông, hồ đập được xây dựng từ thập niên 70, 80 tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, vỡ đê, đập, hồ chứa. Cùng với sự phát triển kinh tế trên địa bàn, nhiều hồ đập lớn được xây dựng, như: hồ Cửa Đạt/Thanh Hóa; đập thủy điện Bản Vẽ/Tương Dương/Nghệ An; đập Ngàn Trươi, Vũ Quang/Hà Tĩnh,... đã góp phần đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, nhưng nếu không được quản lý, vận hành tốt dễ gây ngập, lụt cục bộ. Các địa bàn vùng núi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt cục bộ kéo dài; hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, liên huyện.

Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 11, có từ 03 - 05 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn Quân khu với cấp độ mạnh; đến cấp 16, 17, kèm theo mư­a lớn trên diện rộng, lượng mưa từ 470 mm đến 790 mm/ngày; nước biển dâng từ 5,7m đến 6,2m trong bão gây hiện tượng lũ chồng lũ nhiều nơi. Bão lụt, thảm họa môi trường đã cướp đi sinh mệnh hàng trăm người; đồng thời, gây nên những thiệt hại to lớn về tài sản. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 năm 2020, tình hình bão, mưa, lũ càng phức tạp, cực đoan, dồn dập xảy ra tại một số tỉnh miền Trung với những con số kỷ lục về lượng mưa, mức lũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Quân khu và các tỉnh lân cận đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn, với tổng lượng đo được cả đợt từ 1.000 mm đến 2.000 mm, có nơi 2.000 mm đến 3.000 mm, cao gấp ba đến năm lần so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Tại một số nơi, lượng mưa lớn chưa từng thấy trong lịch sử, như: Khe Sanh 2.451 mm so với trung bình hằng năm là 329 mm, Huế 2.370 mm so trung bình hằng năm là 494 mm, v.v.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: bão, lụt là “loại giặc” nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp, nên công tác phòng, chống bão, lụt “tổ chức phải chặt chẽ, chỉ huy phải vững vàng, dụng cụ phải đầy đủ. Các đoàn thể Nông hội và Thanh niên phải xung phong, các đơn vị bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp sức đồng bào”1, lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn giáo dục, quán triệt cho bộ đội xác định việc giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đòi hỏi phải có ý chí, quyết tâm cao, tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng vượt qua hiểm nguy, gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và luyện tập các phương án theo nhiều tình huống đã xác định. Theo đó, khi xảy ra thiên tai, sự cố: bão lụt, sụt lở đất, sập đổ công trình,... ở mức độ nhỏ, trung bình và phạm vi ảnh hưởng, thiệt hại trên diện hẹp, lực lượng vũ trang Quân khu phối hợp với chính quyền, nhân dân các địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”2, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, bám sát thực tiễn hiện trường, phát huy tốt tính chủ động bảo vệ an toàn doanh trại, công trình, kho tàng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi xảy ra thiên tai, sự cố môi trường. Khi xảy ra cường độ lớn, trên diện rộng, Quân khu đề nghị sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương về công tác chỉ huy, chỉ đạo và lực lượng, phương tiện chuyên trách, hiện đại hỗ trợ lực lượng vũ trang Quân khu thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; chủ động về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn xử lý sự cố, thiên tai; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, sơ tán nhân dân, cơ sở vật chất, điều động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Nhờ công tác chuẩn bị tốt về mọi mặt, nên khi có tình huống xảy ra, lực lượng vũ trang Quân khu không lúng túng, bị động, mà sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, trước sự tàn phá dồn dập, cường độ lớn “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Sau khi xảy ra sự việc sạt lở ở một số nơi, Bộ Tư lệnh Quân khu nhanh chóng đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, phương án, huy động lực lượng tìm kiếm, cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu không quản ngại gian khổ, hy sinh, có mặt kịp thời để cứu giúp nhân dân đang gặp hoạn nạn trong mưa lũ, sạt lở đất, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh quên mình vì nhân dân trong khi làm nhiệm vụ. Với nghĩa cử cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đợt bão lũ vừa qua, lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp với địa phương di dời 98.380 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đưa 22 thuyền viên gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị vào bờ; tổ chức kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng, phương tiện khắc phục sạt lở, hư hỏng hệ thống giao thông, như: đường 71 vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 phục vụ tìm kiếm, cứu nạn. Tổ chức cứu trợ vật chất, phương tiện, nhu yếu phẩm giúp lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn vượt qua thời điểm khó khăn, với tinh thần giúp dân là “mệnh lệnh không lời”3, v.v.

Thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; công tác khắc phục hậu quả thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, liên huyện. Việc đảm bảo vật chất, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chủ yếu là dụng cụ, vật chất thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu khi có tình huống thiên tai, sự cố phức tạp xảy ra. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chủ yếu kiêm nhiệm; trang thiết bị, phương tiện phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đủ điều kiện để tự xử lý khi bị chia cắt, cô lập, v.v. Trước thực tế đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: lực lượng vũ trang Quân khu phát huy truyền thống “Bình Trị Thiên trung dũng”, “Thanh Nghệ Tĩnh kiên cường”, khắc phục khó khăn, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, thảm họa môi trường, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục phát huy và tỏa sáng.

Trước hết, tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trên về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu về vai trò, sự cần thiết phải tiến hành công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Từ đó, đề cao tình cảm, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp, tạo động lực tinh thần to lớn động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ý thức tự bảo vệ mình, tự ứng cứu lẫn nhau khi có tình huống xảy ra và tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Hai là, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý các tình huống. Theo đó, chỉ huy tại chỗ phải tập trung, thống nhất; làm tốt vai trò trung tâm phối hợp với các ngành, tổ chức có liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án, kế hoạch, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc. Đồng thời, chỉ đạo việc huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó, trực tiếp chỉ huy việc thực hiện, khắc phục hậu quả. Với lực lượng tại chỗ, chủ động phối hợp với các lực lượng đóng trên địa bàn thực hiện việc ứng phó khẩn cấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Thường xuyên nắm vững tình hình, phương án xử lý tình huống, duy trì trực 24/24 giờ ở các cấp; tổ chức huấn luyện, tập huấn thành thục, chuyên sâu, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn. Phương tiện, vật tư tại chỗ, được chuẩn bị tốt, huấn luyện sử dụng thành thạo, sẵn sàng huy động, ứng phó nhanh, kịp thời với các tình huống. Công tác hậu cần tại chỗ, phải được chuẩn bị từ trước cả về lương thực, thực phẩm, thuốc men và được cất giữ, bảo quản chu đáo, khi có tình huống huy động được ngay.

Ba làtổ chức, chỉ huy, bảo đảm phải chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, dự báo sát đúng, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để ứng phó với diễn biến của thiên tai trên địa bàn, nhất là các tình huống phức tạp. Hàng năm, phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án sát với diễn biến khí hậu, thời tiết và các dự án ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường kíp trực sở chỉ huy các cấp, trực cứu hộ, cứu nạn, nắm và quản lý chặt chẽ bộ đội, tổ chức kiểm tra kho, trạm, xưởng và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đơn vị trực chiến chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng làm nhiệm vụ; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn xử lý các sự cố, thiên tai khi cần thiết. Quá trình làm nhiệm vụ phải tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định, nhất là vấn đề canh phòng, phối hợp hiệp đồng, bảo đảm an toàn cho người và cơ sở vật chất, trang bị.

Bốn làtổ chức rút kinh nghiệm, biểu dương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Sau mỗi đợt giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai tổ chức rút kinh nghiệp kịp thời; rút ra bài học quý về công tác chỉ huy, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức bình xét tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt để biểu dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giúp dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn trong lực lượng vũ trang Quân khu. Đồng thời, phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những tập thể, cá nhân còn hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ để rút kinh nghiệm chung trong toàn lực lượng.

Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của mảnh đất và con người Khu 4, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời bình hay thời chiến, khó khăn gian khổ đến đâu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, anh dũng, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn khen ngợi, đánh giá cao, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của nhân dân trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN DOÃN ANH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 341.

2 - 1. Chỉ huy tại chỗ; 2. Lực lượng tại chỗ; 3. Phương tiện tại chỗ; 4. Hậu cần tại chỗ.

3 - Gồm: 13 tấn lương khô, 2.480 tấn mỳ tôm, 05 tấn gạo, 41 xuồng HT67, 270 áo phao, 3.500 áo mưa, 5.500 túi đựng đồ, 15 nhà bạt gia đình, 1.800 khẩu trang, v.v.