Tốt nghiệp phổ thông xong, do lực học có hạn nên tôi không thi đại học mà chọn đi làm công nhân ở khu công nghiệp cách nhà 30km. Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ nhưng may mắn địa phương tôi khá phát triển nhờ các công ty, nhà máy mọc lên như nấm.

Cách đây 16 năm, phong trào học xong đi làm công nhân bắt đầu trở nên phổ biến. Thay vì hàng tháng phải xin tiền bố mẹ như các bạn đi học đại học, cao đẳng thì chúng tôi đã kiếm được mỗi tháng 2-3 triệu đồng mang về.

Câu chuyện mua đất, xây nhà của vợ chồng tôi, đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy bùi ngùi vì những gì 2 vợ chồng đã trải qua. 

Năm 25 tuổi, tôi lấy chồng bằng tuổi, cũng là công nhân một công ty trong khu công nghiệp. Tức là lúc này chúng tôi đã đi làm kiếm tiền được 7 năm. Sau 7 năm tích cóp, ngoại trừ giúp đỡ bố mẹ ở quê đôi chút, cả hai gom góp nhẩm tính có khoảng 150 triệu đồng.

Ngày ấy, tiền trăm triệu rất to. Ngay sau khi kết hôn, chúng tôi đã có ý định mua đất, xây nhà để an cư lập nghiệp. Thời năm 2014, đất quê tôi vẫn còn rất rẻ. Mặc dù ở cạnh khu công nghiệp nhưng với 150 triệu đồng, chúng tôi đã mua được một mảnh đất 60m2 chỉ cách công ty 1-2km, ô tô đỗ cửa thoải mái.

Mua đất xong hết tiền, chúng tôi quyết định cứ để đất đấy mà chưa xây nhà vội. Hai đứa lại tiếp tục sống trong căn phòng trọ đi thuê giá 500 nghìn đồng/tháng. Căn phòng rộng 20m2, chủ yếu chỉ để chúng tôi về ăn bữa tối rồi lăn ra ngủ.

{keywords}
Với thu nhập công nhân, để mua được một căn nhà cần phải có kế hoạch chi tiêu rất chặt chẽ. 

Nửa năm sau, tôi có bầu. Lúc này, 2 vợ chồng bắt đầu ngồi lại với nhau bàn bạc xem có nên sống tiếp trong căn phòng này hay không, hay là đánh liều vay tiền xây nhà.

Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm riêng. Nếu bây giờ xây nhà ngay, chúng tôi phải đi vay quá nhiều tiền so với thu nhập của 2 đứa, nhưng bù lại con sinh ra sẽ có nơi ở rộng rãi, thoáng mát, lại không phải mất tiền thuê nhà hàng tháng. 

Suy đi tính lại, tôi bảo chồng hoãn thêm 2 năm nữa hẵng xây nhà. Nếu bây giờ xây ngay, có lẽ chúng tôi chỉ dám xây một căn nhà cấp 4. Rồi sau này sinh thêm con lại chật chội, lại phải cơi nới, sửa chữa một lần nữa rất bất tiện và không kinh tế bằng xây một lần cho xong. Hai năm nữa, chúng tôi sẽ có thêm chút tiền để mạnh dạn xây một căn nhà 2 tầng trên mảnh đất đã mua.

Chồng tôi đồng ý với kế hoạch này. Suốt 2 năm ấy, mặc dù mang bầu, nuôi con nhỏ nhưng chúng tôi chi tiêu hết sức tằn tiện để thực hiện mục tiêu lớn. Sinh con chưa được bao lâu, tôi xin đi làm sớm để có thu nhập. Con nhỏ tôi gửi bà ngoại trông giúp, buổi trưa tranh thủ ghé qua nhà trọ cho con bú, ăn vội bữa cơm rồi lại lên xe đi làm.

Hàng tháng, tôi đưa bà tiền đi chợ để bà ở nhà tranh thủ vừa trông cháu vừa nấu cơm giúp. Rất may là mẹ tôi khi ấy vẫn còn trẻ khoẻ nên bà giúp vợ chồng tôi được rất nhiều việc. Bà sống ở quê, chi tiêu tiết kiệm đã quen nên số tiền ít ỏi tôi đưa nhiều khi đến cuối tháng vẫn còn dư. Bà hiểu vợ chồng tôi đang cố tích cóp để xây nhà nên cũng rất ý thức chắt bóp cho con cháu. Mỗi lần về quê, bà đều mang đủ thứ rau củ, thịt cá, có khi ăn đủ cả tuần. Chồng tôi đến bây giờ khi nhắc lại những ngày tháng tằn tiện ấy vẫn biết ơn mẹ vợ vô cùng.

Cứ thế, 2 năm sau, vợ chồng tôi tiết kiệm thêm được 150 triệu nữa. Đó là 2 năm chúng tôi đã nai lưng ra làm tăng ca nhiều nhất có thể. Tiền lương cũng đã cao hơn so với thời mới đi làm.

Nhưng để xây được một căn nhà 2 tầng cơ bản nhất trên 60m2, chi phí dự kiến là khoảng gần 300 triệu đồng. 150 triệu đồng còn thiếu, chúng tôi chạy vạy khắp nơi vay bạn bè. Ai cho vay bao nhiêu, chúng tôi nhận bấy nhiêu. Ông bà nội ngoại 2 bên cũng giúp đỡ bằng cách vay giúp họ hàng. Có khoản vay phải trả lãi nhưng lãi suất thấp hơn ngân hàng, hoặc phải trả lại sớm. 

Cuốn sổ vay nợ xây nhà của 2 vợ chồng tôi ghi kín 3 trang giấy, chi tiết tên tuổi người cho vay, ngày vay, hạn phải trả. Đến bây giờ, 2 vợ chồng vẫn còn giữ cuốn sổ đó, thỉnh thoảng lại lấy ra kể chuyện cho các con nghe để các cháu biết ngày xưa bố mẹ đã phải vất vả như thế nào. 

Sau 3 tháng căn nhà hoàn thiện, cả nhà dọn về nhà mới và cũng bắt đầu chuỗi ngày tháng 2 vợ chồng cày cuốc để trả nợ. Hai năm sau, chúng tôi trả hết nợ, thở phào nhẹ nhõm. Cả hai bên nội ngoại đều mừng cho chúng tôi cuối cùng cũng đến ngày hết nợ.

Kinh nghiệm mua đất, xây nhà của chúng tôi có lẽ gói gọn trong 2 chữ: tích cóp. Bởi vì lương công nhân chỉ vài triệu mỗi tháng, nếu không tích cóp thì có lẽ phải rất lâu mới thực hiện được ước mơ có nhà. 

Tôi không dám chắc câu chuyện của chúng tôi có thể giúp ích gì cho các bạn trẻ cùng hoàn cảnh hay không. Bởi vì mọi thứ bây giờ cũng đã khác xưa nhiều. Đất chỗ tôi đang ở bây giờ đã tăng giá gấp 5-7 lần, chi phí xây dựng cũng đã khác. Thời thế bây giờ cũng khó để các bạn sống cuộc sống tằn tiện như chúng tôi ngày xưa. 

Nhưng ngược lại, thu nhập công nhân hiện tại, nếu tăng ca mỗi tháng hoàn toàn có thể nhận 9-10 triệu đồng. Các bạn trẻ cũng năng động hơn chúng tôi rất nhiều. Ngoài giờ làm việc, các bạn còn có thể bán hàng online, chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản… để kiếm thêm thu nhập. 

Tôi hi vọng câu chuyện của mình có thể động viên các bạn về mặt tinh thần, rằng nếu có chí hướng và quyết tâm thì sớm muộn các bạn sẽ có một căn nhà mơ ước.

 

Mời độc giả tham gia viết bài cho diễn đàn Ngôi nhà đầu tiên, trong đó chia sẻ cụ thể kinh nghiệm mua nhà, những trải nghiệm, cảm xúc, hoàn cảnh gia đình trong thời gian mua ngôi nhà đầu tiên. Những bài viết phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Đời sống của báo. Nội dung bài viết xin gửi về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn. Trân trọng!

Độc giả Trần Thị Thư 

Tôi mua nhà chung cư 1,2 tỷ khi trong tay chỉ có 100 triệu đồng

Tôi mua nhà chung cư 1,2 tỷ khi trong tay chỉ có 100 triệu đồng

Năm tôi 29, chồng 32 tuổi, chúng tôi quyết định mua căn nhà đầu tiên để an cư lập nghiệp ở đất Thủ đô. Lúc ấy, trong tay 2 đứa chỉ có chưa đầy 100 triệu đồng. Căn chung cư hơn 60m2 có giá 1,2 tỷ đồng.