Lương hưu đang khá thấp

Khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ rõ, do tỉ lệ đóng - hưởng lương hưu của người cao tuổi (NCT) thấp khiến mức lương bình quân của người dân nói chung chỉ khoảng 5,73 triệu đồng/tháng, riêng lương hưu của NCT chỉ rơi vào khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng… Lương hưu thấp, không có các khoản thu nhập ngoài lương, không có sự trợ giúp từ con cháu khiến đại bộ phận NCT đang phải “căng kéo” với đồng lương hưu còm cõi. 

anh 5.jpg
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đa phần NCT có mức lương hưu bình quân dưới 6 triệu đồng/người/tháng. Đời sống của NCT khó khăn khi thường xuyên phải "làm bạn" với bệnh viện.

Trong khi đó, mặc dù có BHYT nhưng do những NCT phải gánh những chi phí khám chữa bệnh thường xuyên nên với mức lương nói trên, đại bộ phận NCT đang có cuộc sống hết sức khó khăn. Chính vì vậy, trong các đề xuất liên quan đến 2 dự luật: Luật Người cao tuổi (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần lưu ý đến nhóm NCT – những đối tượng đang chịu tác động rất lớn từ 2 dự luật này.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội): Một trong những kiến nghị của ủy ban liên quan đến vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bởi, nếu kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiến nhiều NCT không chờ nổi lương hưu, nhất là với những nhóm đối tượng làm các công việc độc hại, nặng nhọc.

Được biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo Luật cần tính toán mức đóng, đánh giá tác động một cách khoa học để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội; đặc biệt là những vấn đề liên quan tới NCT như lương hưu, mức hưởng... 

Báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng.

Cân nhắc thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đã có trên 476.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; trên 53.000 người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần; có trên 20.000 người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

Dễ thấy, với quy định đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Nhiều NCT bước vào tuổi hưu đang vướng 2 điểm nghẽn: Không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hoặc mức đóng thấp dẫn tới lương hưu thấp khiến đời sống khó khăn khi bệnh tật bủa vây. Do đó, đề xuất thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng đang được NCT hết sức quan tâm.

Theo ông Nguyễn Việt hà (cán bộ hưu trí tại Long Biên, Hà Nội): Quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động, NCT có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm bảo hiểm y tế khi đủ tuổi nghỉ hưu là rất nhân văn, cần thiết và phù hợp với tình trạng sức khỏe của số đông NCT ở Việt Nam. Thông qua quy định này cũng sẽ góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Được biết, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đối cao trong khu vực, chỉ sau Singapore (37%), nhưng tỷ lệ người hưởng lương hưu ở Việt Nam cũng cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới…

Lê Giáp Việt Hoàng, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Thị Lụa, Nguyễn Thị Ngọc Lài, Hoàng Tư Giang