Đứng dưới góc độ y khoa, BS chuyên khoa I Đỗ Anh Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: Sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch suy yếu, do đó người cao tuổi có tần suất và chi phí khám, chữa bệnh bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác. Thậm chí, có nhiều người cao tuổi vừa nghỉ hưu, do gặp cú sốc tâm lý cộng với thể trạng suy kiệt khiến họ chưa kịp an hưởng tuổi già thì lại bắt đầu làm bạn với… bệnh viện.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách nhân văn, trong đó người cao tuổi, trẻ em chính là những đối tượng cần được ưu tiên tham gia. Do đó, bằng nhiều chính sách liên quan khác nhau ở các địa phương cũng đang rất nỗ lực phủ kín BHYT cho các đối tượng này, nhất là nhóm người cao tuổi trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra rất nhanh trong thời gian 5 năm trở lại đây. 

Trong một diễn biến có liên quan, hồi cuối tháng 6/2023 vừa qua Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã đề xuất hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ từ 70 đến dưới 80 tuổi trong giai đoạn 2024 - 2025. Theo đề xuất này, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ đang thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội nếu chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng. Ngoài ra, các đối tượng như học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các cơ sở giáo dục quốc dân có trụ sở tại TP Hà Nội chưa được cấp thẻ BHYT được hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT.

Thời gian hỗ trợ mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng nêu trên bắt đầu từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của các quận, huyện, thị xã với số tiền dự kiến hỗ trợ trong hai năm là gần 186 tỷ đồng. Lí do được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đưa ra đề xuất do phân tích của liên sở, ngành BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính Hà Nội, cho rằng, các đối tượng trên thuộc nhóm người thiệt thòi và việc hỗ trợ đóng BHYT là cần thiết. Như vậy, nếu được thông qua thì Hà Nội sẽ là một trong số ít các địa phương hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm người yếm thế, trong đó có người cao tuổi.

Bình luận về chủ trương này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội cho rằng, khi tiền lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng từ 1/7/2023, tương ứng mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng từ 67.065 đồng/tháng lên 81.000 đồng/tháng (tăng 1,2 lần) khiến cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi khó tham gia các chính sách xã hội trong đó có BHYT. 

Do đó, việc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho một số đối tượng từ ngân sách thành phố là đề xuất phù hợp chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế. Đây cũng là giải pháp đưa BHYT mở rộng diện bao phủ ở Thủ đô, giúp người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng có điểm tựa an sinh quan trọng khi không may bị ốm đau, rủi ro cần đi khám, chữa bệnh.

anh 13.jpg
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã đề xuất hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cao tuổi ở các khu vực khó khăn.

Về bản chất, BHYT sẽ trở thành “điểm tựa” mỗi khi đau ốm cho người dân nói chung, người cao tuổi nói riêng. Bởi thực tế khi người cao tuổi bước vào giai đoạn từ tuổi 70 trở đi là đã khá yếu do thời gian làm việc và cống hiến dài thời trai trẻ đã vắt kiệt sức lực của họ. 

Trong khi đó, dù nhận thức được BHYT là “cứu cánh” cho bản thân, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nhiều người cao tuổi khi còn đang làm việc thì có tham gia BHYT nhưng khi về già thì lại bỏ vì không có tiền đóng góp. Chính vì thế việc Hà Nội đề xuất hỗ trợ đóng BHYT cho người dân khó khăn là chủ trương rất nhân văn.

Được biết, chương trình hỗ trợ đóng BHYT cho người dân những khu vực khó khăn cũng được các địa phương triển khai lồng ghép trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, số lượng người nghèo nói chung, người cao tuổi nói riêng chưa có BHYT vẫn chiếm đại đa số. Dẫn chứng cho phát biểu của mình, ông Cừ cho biết, hiện cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi nhưng vẫn còn tới 5% trong số họ chưa có thẻ BHYT. Đáng lưu ý, 95% người cao tuổi trong cả nước mắc các bệnh về lão khoa, bệnh lý tuổi già cần chăm sóc y tế thường xuyên.

“Điều đáng nói, số ít chưa có BHYT lại rơi vào các đối tượng hộ nghèo, người cao tuổi. Thực tế ở nhiều địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều người cao tuổi, hết tuổi lao động nhưng không tham gia BHYT còn rất lớn do kinh tế gia đình eo hẹp, ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa thể hỗ trợ người dân mua BHYT. Tuy nhiên, với chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, việc phủ kín BHYT cho người cao tuổi là việc nên làm, khó mấy cũng phải làm”, ông Cừ kiến nghị.

Võ Thu và nhóm PV, BTV