Loài chim cánh cụt vẫn được biết đến với tập tính sống bầy đàn và rất đoàn kết, thế nhưng đoàn kết đến nỗi, cùng nhau thải ra một lượng phân khổng lồ nhìn thấy được từ vũ trụ như trường hợp sau đây thì quả là khó tin.
Cụ thể, các nhà khoa học mới đây đã chính thức phát hiện ra một siêu quần thể chim cánh cụt có số lượng lên tới 1,5 triệu con. Mặc dù có lượng cá thể lớn nhưng trước đây, đàn cánh cụt này chưa từng được con người phát hiện, lý do bởi quần đảo mà chúng sinh sống được bao phủ bởi những lớp băng có địa hình nguy hiểm, khó tan ngay cả trong mùa hè, nằm gần bán đảo Nam Cực.
Tuy nhiên, khi các nhà khoa học bắt đầu phát triển một thuật toán bằng công nghệ hình ảnh của NASA Landsat, lũ chim cánh cụt đã lộ diện. Họ đã lần đầu nhận thấy những hình ảnh kỳ lạ qua những vết ố hồng của phân chim trong ảnh vệ tinh chụp quần đảo từ năm 2014.
Năm 2015, nhóm khoa học thực hiện chuyến đi để khảo sát quần đảo này và làm công tác nghiên cứu, công bố về phát hiện siêu quần thể chim cuối cùng đã được ra mắt vào tháng 3 vừa rồi.
"Chúng tôi nghĩ mình đã biết tất cả những quần thể chim cánh cụt rồi, nhưng trong thực tế, chỉ riêng quần đảo này, dù chỉ dài có 15 km từ đầu tới cuối thôi nhưng lại có nhiều chim cánh cụt Adélie hơn toàn bộ phần còn lại của bán đảo Nam Cực cộng lại" - Heather Lynch, một nhà sinh thái học đến từ Đại học Stony Brook cho biết.
Nhóm khoa học cũng chia sẻ, kết quả này có được là nhờ vào công nghệ hình ảnh của vệ tinh, cho phép họ phát hiện được các đàn chim cánh cụt mới bằng cách kết hợp hình ảnh vệ tinh, khảo sát bằng máy bay không người lái.
Hiện họ vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu về quần đảo chim cánh cụt, phục vụ cho mục đích hiểu rõ lịch sử của đàn 1,5 triệu con này, sau đó là bảo vệ chúng khỏi những mối nguy hiểm gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Theo GenK