Đúng vậy đó, bạn không hoa mắt đâu. Một nghiên cứu chỉ ra những người bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii (thường thấy trong phân mèo) có khả năng khởi nghiệp cao gần gấp đôi so với người bình thường.
Bằng cách nào đó, ký sinh trùng này có thể tác động đến tâm trí khiến họ trở nên "liều" hơn, chấp nhận mạo hiểm với những rủi ro trong kinh doanh. Ít nhất đó là một giả thuyết hợp lý cho hiện tượng này.
Bằng chứng từ thử nghiệm trên động vật cho thấy, những con chuột nhiễm Toxoplasma gondii trở nên cực kỳ can đảm, đến nỗi chúng mất hẳn bản năng sợ mèo bẩm sinh.
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Trong đó, phó giáo sư Stefanie Johnson đến từ Đại học Colorado chỉ ra Toxoplasma là một ký sinh trùng hết sức kỳ lạ. Khi xâm nhập vào não, nó có thể gây ra nhiều hiệu ứng tinh thần ở chuột và người.
Toxoplasma có thể ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh hoặc các hooc-môn như testosterone. Nó khiến cho những con chuột không còn sợ mùi nước tiểu của mèo, một khả năng sinh tồn bẩm sinh mà bất cứ con chuột nào đều có.
Kết quả là, khi những con chuột "liều mạng" hơn, chúng dễ bị mèo bắt và ăn thịt. Những con ký sinh trùng Toxoplasma tiếp tục vòng đời của mình trong cơ thể mèo. Con người có thể nhiễm Toxoplasma thông qua phân mèo. Nhưng nguy cơ lớn hơn đến từ việc ăn thịt chưa chín kỹ, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Phụ nữ mang thai được cảnh báo tránh xa phân mèo trong thùng rác và thịt sống vì ký sinh trùng có thể gây sảy thai và dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ.
Toxoplasma có thể làm cho những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch bị ốm nặng. Nhưng trên người khỏe mạnh, ký sinh trùng này hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. CDC cho biết hiện ở Mỹ có khoảng 30 triệu người nhiễm Toxoplasma nhưng họ không hề biết điều đó.
Trước đây, Toxoplasma đã được phát hiện có liên quan đến nguy cơ lớn hơn gây ra "tai nạn xe hơi, bệnh tâm thần, thần kinh, lạm dụng ma túy và tự tử", phó giáo sư Johnson cho biết. Giả thuyết thống nhất giải thích được hiện tượng này vẫn là việc nó có tác động đến tinh thần con người, khiến chúng ta "liều mình" hơn trong các tình huống.
Nỗi sợ hãi đôi khi cũng có ích, phó giáo sư Johnson nói. Nhưng đôi khi, vượt qua nỗi sợ hãi cũng đem đến lợi ích và cô muốn kiểm tra mối liên hệ giữa Toxoplasma và hành vi chấp chận rủi ro trong kinh doanh.
"Trở thành một doanh nhân không bao giờ là một ý tưởng hay, vì những rủi ro lớn hơn nhiều so với phần thưởng. Tỷ lệ thành công rất thấp", phó giáo sư Johnson nói.
Cô đã đến những cuộc hội thảo bàn về khởi nghiệp, và mời những sinh viên cũng như doanh nhân ở đó tham gia vào thử nghiệm của mình. Nước bọt của gần 1.500 sinh viên và 200 người khác đã được thu thập để tìm ra kháng thể Toxoplasma.
Kết quả cho thấy 22% ứng viên có kháng thể, nghĩa là họ đã bị nhiễm ký sinh trùng này vào một thời điểm nào đó trong đời. Những người này có khả năng start-up gấp 1,8 lần người bình thường.
Hướng nghiên cứu tiếp theo, phó giáo sư Johnson cho biết cô muốn thuyết phục các doanh nhân khởi nghiệp tham gia vào thử nghiệm này, để xem những người thành công có nhiễm ký sinh trùng nhiều hơn so với những người thất bại hay không.
"Nếu tất cả các doanh nhân khởi nghiệp dương tính với Toxoplasma đều thất bại thì sao? Liệu nỗi sợ đó có phải là một điều tốt? Chúng tôi muốn biết", cô nói.
Phó giáo sư Johnson chia sẻ cô đã tự xét nghiệm Toxoplasma trong người mình. Mặc dù nuôi hai con mèo, Johnson không bị nhiễm. "Theo nghĩa đen mà nói, giáo sư là một nghề có ít rủi ro nhất mà bạn có thể làm", cô nói.
Theo GenK