Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vừa cho biết nơi đây đã thực hiện ghép thận tự thân thành công cho một bệnh nhi bị hẹp động mạch thận, gây ra tăng huyết áp. 

Khai thác bệnh sử ghi nhận từ tháng 12/2022, em H.T.T (7 tuổi) bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện em bị tăng huyết áp, chỉ số huyết áp cao nhất ghi nhận là 170/80 mmHg.

Kết quả xạ hình thận cho thấy chức năng thận còn 37%. Em được nong động mạch thận lần 1 nhưng thất bại và được điều trị bằng thuốc. Tháng 5 vừa qua, T. được đưa đến khám tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Tại đây, bác sĩ nhận thấy em bị hẹp khít động mạch thận bên phải trên siêu âm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp kéo dài, cần phải can thiệp kịp thời, tránh hậu quả hư hoàn toàn thận phải.

nhi-dong-1.jpg
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: GL.

Ngày 31/5, bệnh nhân được tiến hành chụp mạch máu thận và dự định sẽ can thiệp nong mạch máu. Tuy nhiên, việc can thiệp diễn ra khó khăn do động mạch thận phải hẹp khít.

Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Ngoại Thận tiết niệu của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thái Minh Sâm (Bệnh viện Chợ Rẫy). Các chuyên gia quyết định thực hiện ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho bệnh nhi. 

Ghép thận tự thân là phương pháp lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính họ. Thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể để phẫu thuật viên sửa lại các bất thường mạch máu, sau đó ghép lại mạch máu và niệu quản. 

Ba tháng sau, ca phẫu thuật được thực hiện với sự phối hợp của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và các ê-kíp của Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau 4 giờ, ca ghép thận đã thực hiện thành công. Thận sau khi ghép vào được cấp máu đầy đủ. T. được ra viện sau đó 10 ngày. Hiện tại, huyết áp của bệnh nhi trở về bình thường.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thận tiết niệu, cho biết đây là một trong những ca ghép thận tự thân thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 1, là bước tiến mới trong việc phát triển đơn vị ghép thận.

Linh Anh