Việc tài liệu Pandora với hơn 11,9 triệu hồ sơ bị tiết lộ đã làm tăng sức nóng đối với giới tinh hoa, từ Quốc vương của Jordan đến một số nhân vật thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cựu Tổng thống Donald Trump được đề cập đến trong tài liệu do liên quan đến một dự án khách sạn ở Panama. Nhưng tài liệu Pandora dường như không tiết lộ thông tin mới quan trọng về tài khoản của ông.
Các chuyên gia tài chính nói rằng sự vắng mặt của giới siêu giàu Mỹ là do thiếu động cơ vì mức thuế họ đang phải nộp ở Mỹ.
Dù cho các tỷ phú Mỹ không xuất hiện trong tài liệu, nhưng nước Mỹ thì lại có.
Bang South Dakota của Mỹ đặc biệt được chú ý đến như một thiên đường thuế mới, sánh ngang với mạng lưới thiên đường thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh và Thụy Sĩ.
Ủy thác ở bang đã tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian 10 năm, lên đến 360 tỷ USD, nhờ các luật bảo vệ tài sản khỏi bất kỳ yêu cầu dân sự nào như việc ly hôn.
Người từng làm rò rỉ thông tin tối mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - Edward Snowden – đã chế giễu vụ rò rỉ Tài liệu Pandora. Edward Snowden nhắc lại vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2016 và than vãn về cách ngành tài chính quốc tế tiếp tục vận hành bất chấp "hai vụ rò rỉ lịch sử".
Edward Snowden nói rằng anh "ngả mũ bái phục" với các công ty vẫn lưu trữ những cơ sở dữ liệu không đủ bảo mật, bất chấp những vụ rò rỉ lớn từng xảy ra.
Bình luận của Edward được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiết lộ Tài liệu Pandora liên quan đến các nhà lãnh đạo và chính trị gia từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tài liệu Pandora hé lộ cách các nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia, tỷ phú, người nổi tiếng và những ông trùm buôn ma túy, che giấu các khoản đầu tư vào bất động sản, du thuyền, chuyên cơ, v.v. trong một phần tư thế kỷ qua.
Bang South Dakota nổi lên như một thiên đường thuế mới ở Mỹ. Ảnh: The Guardian
Theo nội dung từ tài liệu, nhiều tài khoản khác còn được dùng để trốn thuế và che giấu tài sản vì nhiều lý do đáng ngờ khác.
Trong số 130 tỷ phú được liệt kê trong Tài liệu Pandora, những cái tên đình đám của nước Mỹ không hề xuất hiện.
Các nhà phân tích tài chính suy đoán, những người giàu nhất nước Mỹ như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett, không có động cơ để dùng đến các thiên đường thuế ở nước ngoài. Lý do là vì mức thuế họ phải trả ở Mỹ thấp so với thu nhập khủng.
Theo một báo cáo công bố tháng 6 của Forbes, 25 người giàu nhất nước Mỹ trả mức thuế thực là 3,4%, trong khi tài sản tăng trưởng 401 tỷ USD từ năm 2014 đến 2018.
Jeff Bezos được cho là đóng mức thuế thực 0,98%, trong khi tỷ phú Warren Buffett và Elon Musk trả mức thuế tương ứng là 0,10% và 3,27%.
Vào năm 2018, tỷ phú Bill Gates đã thừa nhận rằng mình cần phải trả nhiều thuế hơn. Ông nói với CNN vào thời điểm đó: "Tôi cần phải trả thuế cao hơn… Tôi đã trả nhiều thuế hơn, hơn 10 tỷ USD, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người ở vị trí ngang tôi phải trả mức thuế cao hơn đáng kể".
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích Tài liệu Pandora cho rằng các nhà lãnh đạo giàu có của Mỹ có thể đã sử dụng các công ty vỏ bọc hoặc tài khoản nước ngoài ở các khu vực pháp lý khác nhau để che giấu tiền của họ.
Các chuyện gia cũng bày tỏ lo ngại rằng vụ rò rỉ Tài liệu Pandora sẽ ảnh hưởng đến người dân trong nhiều thế hệ, làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giàu nghèo và tiềm tàng nguy cơ của nhóm tội phạm buôn ma túy, tấn công bằng mã độc để tống tiền, buôn bán vũ khí, v.v.
Cựu nhân viên FBI Sherine Ebadi nói với báo giới rằng hệ thống tài chính nước ngoài là vấn đề mà mọi người tuân thủ pháp luật trên khắp thế giới đều quan tâm. Bà nói: "Những hệ thống này không chỉ cho phép gian lận thuế để không phải trả tiền thuế theo nghĩa vụ, chúng còn phá hoại một cơ cấu xã hội tốt đẹp".
(Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị)
'Hồ sơ Pandora' - cơn sóng thần dữ liệu làm chao đảo thế giới
11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính tạo ra "Hồ sơ Pandora" - một phiên bản nâng cấp của "Hồ sơ Panama" năm 2016.