Nhiều mục tiêu kinh tế biển tham vọng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam ngày 21/6/2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đáng chú ý, trong các mục tiêu tham vọng của địa phương, Quảng Ngãi phấn đấu: Đạt khá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; Phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo của miền Trung. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.700-7.900 USD.
Trong các mục tiêu kể trên, kinh tế biển đóng vai trò trụ cột của Quảng Ngãi với các ngành như: Lọc hóa dầu, vận tải biển, du lịch, nuôi biển, năng lượng tái tạo… Trong đó, các ngành kể trên không chỉ phát triển theo chiều sâu, mà còn phải thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Riêng phát triển công nghiệp sản xuất điện thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển được Quảng Ngãi đưa vào các mục tiêu ưu tiên trong 10 năm tới.
Du lịch biển trở thành một ngành kinh tế quan trọng
Cũng tại quy hoạch này, với ngành thương mại - dịch vụ, Quảng Ngãi phấn đấu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của tỉnh.
Theo đó, Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy du lịch thông minh gắn với định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Về vận tải biển, Quảng Ngãi sẽ đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện. Biến Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.
Trong lễ công bố Quy hoạch, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu nhiệm kỳ này Quảng Ngãi đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng để địa phương tập trung kêu gọi, thu hút và bố trí các nguồn lực đầu tư vào những không gian kinh tế biển có tính động lực và mũi nhọn.
Như vậy, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ven biển thuộc nhóm đầu công bố Quy hoạch tỉnh, trong đó lấy kinh tế biển là động lực phát triển của địa phương. Được biết, kết thúc năm 2022, Quảng Ngãi thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (có 14 chỉ tiêu vượt). Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,08%; quy mô GRDP (theo giá trị hiện hành) đạt 121.668 tỷ đồng, xếp thứ 4 so với 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; đứng thứ 2 so với 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. GRDP bình quân đầu người đạt 97,67 triệu đồng.
Với riêng huyện đảo Lý Sơn, trước đó trong định hướng phát triển thành trung tâm du lịch biển, đảo theo định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi cũng xác định, Lý Sơn sẽ được tập trung các nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, hiệu quả…
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, Lý Sơn đón khoảng 700 – 800 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 30 – 40 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 – 2.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 6.000 – 7.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn đón khoảng 1,5 – 1,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100 – 150 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch 3.000 – 3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 20 – 25 nghìn lao động trực tiếp.