Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), nam bệnh nhân 45 tuổi có tiền sử đái tháo đường 10 năm nay. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị áp-xe nhiều vị trí ở thành bụng, cơ thắt lưng, gan, kèm theo viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Trước khi nhập viện, anh T. xuất hiện triệu chứng đau vùng hạ sườn trái, sốt cao liên tục trong suốt một tháng.

Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu các ổ áp-xe tại vị trí dưới mạn sườn trái và lưng trái. Tới ngày 15/3, sau 6 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân T. vào ngày 15/3. Ảnh: BVCC

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết Whitmore là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở người và động vật. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da khi có vết thương hở.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp, diễn tiến âm thầm như bệnh lao. Người bệnh có thể bị viêm phổi, viêm mô mềm, áp-xe các cơ quan như gan, lách, thận, nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời.

Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh, theo bác sĩ Đức.

Thời kỳ ủ bệnh từ 1-21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán, bệnh nhân khi đến bệnh viện đã tổn thương rất nhiều cơ quan. Việc điều trị bệnh Whitmore thường phức tạp, dài ngày và tốn kém chi phí.

Bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước không đảm bảo vệ sinh; làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn; thực hiện ăn chín uống sôi…

Đặc biệt, khi bệnh nhân có các vết loét ngoài da, nếu các triệu chứng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?Nhiều bệnh nhân Whitmore được điều trị theo các chẩn đoán khác nhau trước khi phát hiện mắc loại vi khuẩn "ăn thịt người". Ngay cả khi chẩn đoán đúng, nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì điều trị rất lâu, tốn kém.