Theo đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các hình thức, mô hình tuyên truyền được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, có nhiều đổi mới, bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng.
Đặc biệt, ngoài tuyên truyền miệng tại các hội nghị, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã có sự đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong biên soạn các hình ảnh đồ họa; xây dựng video, phóng sự tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị, mạng xã hội, Internet... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật ngày càng được nâng lên.
Các cổng, trang thông tin điện tử của các ban ngành, địa phương đã giúp nhân dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng được chú trọng với nhiều hình thức sinh động, tránh sự nhàm chán, cứng nhắc, phù hợp với thói quen sử dụng điện thoại thông minh của người dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức hội nghị, hội thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, hòa giải, khai thác tủ sách, ngăn sách pháp luật. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở tuyên truyền lưu động, xây dựng pa nô, áp phích, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và đẩy mạnh công tác xét xử lưu động, trợ giúp pháp lý...
Ngoài ra, huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của các tổ hòa giải. Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Công tác hòa giải cơ sở đã góp phần tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân.
Thời gian tới, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cũng như cách tiếp cận pháp của người dân. Trọng tâm là tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các địa bàn đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội. Đồng thời, thường xuyên nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh có điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.