Nhiều người ở cơ quan tôi rất thích ăn mận, ngày nào cũng có đĩa mận đặt trên bàn. Trong mâm cúng Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch của nhà tôi cũng không bao giờ thiếu loại quả đặc sản mùa hè này. Tôi nghe nói ăn loại quả này rất nóng, có thể nổi mụn, không tốt cho người tiểu đường vì rất ngọt nếu ăn quả chín. Vậy một ngày nên ăn mấy quả, người mắc tiểu đường có ăn mận được không, thưa bác sĩ? (Minh Như, Hà Nội).

Bác sĩ Đoàn Hồng, Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tư vấn:

Mùa mận thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 8, với nhiều loại như mận tam hoa, mận hậu, mận tả van, mận thép, mận cơm, mận Pu Nhi...

Dịp Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc, mận hay vải là loại quả không thể thiếu trong mâm cúng.

Mận là loại quả không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ ở miền Bắc. Ảnh: Bao Anh Nguyen

Các loại mận không có nhiều sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng, đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.

Do hàm lượng chất xơ trong mận tương đối cao nên ăn loại quả này có khả năng làm giảm táo bón. Ngoài ra, mận có chứa sorbitol có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Mận cũng là loại quả giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do. Mận đặc biệt chứa nhiều polyphenol có tác động tích cực đến sức khỏe xương và giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hay đái tháo đường.

Mặc dù có hàm lượng carbs khá cao nhưng mận không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu sau khi ăn, ngược lại, mận có khả năng làm tăng mức adiponectin, một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra chất xơ trong mận giúp làm chậm tốc độ cơ thể hấp thu carbs sau bữa ăn, có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.

Do hàm lượng chất xơ, kali và chất chống oxy hóa cao, mận có thể giúp làm giảm huyết áp và mức cholesterol, thúc đẩy sức khỏe tim mạch.

Quả mận khô cũng có khả năng ngăn ngừa hoặc đảo ngược quá trình mất xương, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như loãng xương.

Lưu ý khi ăn mận

Vỏ mận có hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao, vì thế không nên gọt vỏ.

Nên rửa sạch lớp phấn trên vỏ mận để tránh bị dị ứng, giảm thiểu thuốc trừ sâu và vi khuẩn trên vỏ. 

Người bị sốt không cần kiêng ăn mận nhưng người ốm cũng không nên ăn quá nhiều mận do mận có tính nóng có thể gây nóng trong, nhiệt miệng và mụn nhọt khó chịu trong người.

Chỉ nên ăn khoảng 4-5 quả mận mỗi ngày đối với người lớn và 2-3 quả mận mỗi ngày đối với trẻ em.

Chọn mận, lưu ý gì?

Chọn những quả mận ngon, lá tươi và cuống dính chặt vào thân quả. Mận còn nguyên vẹn, dáng tròn đều, căng mọng, không bị méo mó.

Không nên chọn quả mận bị dập, vỏ ngoài bị thâm, có vết móng tay, vết xước, hay vết côn trùng cắn, vì chúng thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và dễ bị hỏng.

Vỏ ngoài quả mận phải nhẵn bóng, trơn mịn, còn có lớp phấn phủ màu trắng mỏng bên ngoài quả. Tốt nhất nên chọn mua những quả có vỏ màu xen lẫn giữa xanh và đỏ, chúng thường ngon ngọt hơn. Tránh chọn mua những quả mận có thuần một màu xanh hoặc đỏ, những quả mận này thường còn non, bị chua hoặc là quá chín không còn giòn ngon.