Sanh cổ triệu USD, đại gia Việt muốn ghi danh bảo vật thế giới

Theo Dân Việt, cây sanh lá móng quý hiếm bậc nhất Việt Nam giá hàng triệu USD, có tên “Cửu long tranh châu” được coi là độc nhất vô nhị cả về tuổi đời của cây, lịch sử, sự bề thế và được xếp vào một trong 19 kỷ lục của Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tác phẩm có ý nghĩa mô tả 9 con rồng tranh nhau viên ngọc với sự tưởng tượng phong phú của nghệ thuật tạo hình đặc sắc.

{keywords}
Sanh cổ “Cửu long tranh châu”.

Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập đây là “cây sanh cổ trồng chậu có chu vi bộ rễ lớn nhất Việt Nam” vào năm 2010. Chủ nhân cây sanh cho biết, sắp tới sẽ làm các thủ tục để cây được công nhận là bảo vật quốc gia không những của Việt Nam mà là bảo vật của thế giới.

Còn cây sanh cổ tên “Hoàng Sơn băng giá đệ nhất đỉnh” có tuổi đời khoảng 200 năm của anh Nguyễn Văn Chí (Thường Tín, Hà Nội) vẫn là một ẩn số khiến giới chơi cây tò mò bởi cây sanh này chưa xuất hiện tại bất kì một triển lãm nào. Đã có người trả tới 7 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.

Cây hoa giấy "khủng" được mua giá gần 3 tỷ gây xôn xao

Dân Việt thông tin, mới đây, anh Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã mua một cây hoa giấy “khủng’ từ Đà Lạt với mức giá cao ngất, khiến nhiều người choáng ngợp. “Cụ” hoa giấy có tên “vạn hoa lầu” được coi là cây hoa giấy số 1 Việt Nam.

{keywords}
Cây hoa giấy như một bó hoa khổng lồ.

Anh Toàn cho biết, để sở hữu cây hoa giấy này, anh đã phải bỏ ra 2,8 tỷ đồng và phải theo đuổi mấy năm chủ nhân cũ mới nhượng lại.

Sau nhiều năm tạo tác, các cành đan xen vào nhau tạo thành một khối nhìn như một cái lầu, hay bông hoa khổng lồ. Đặc biệt, thân cây xoắn, uốn lượn rất chắc chắn chứ không bị rỗng ruột như các thân cây hoa giấy thông thường.

Giò lan phi điệp tím có '1-0-2', xứng danh kỳ hoa dị thảo

Giò lan phi điệp tím có tên là "Mắt bão" được giới chơi lan mệnh danh là "kỳ hoa dị thảo". Theo những người sành lan, "Mắt bão" được ví như là 1 siêu phẩm có "1-0-2" nhờ sắc màu độc đáo, hoàn hảo đến khó tin.

{keywords}
Giò lan phi điệp tím "Mắt bão"

Nó thuộc dòng đột biến gene gồm có 2 thân hoa và 3 mầm gốc. Cây có lá kẻ viền tím như vân tay, mắt đậm rõ. Lưỡi hoa tròn và có một màu đỏ như son. Đặc biệt, cây còn sở hữu một khuôn cánh đẹp, 3 cánh đài đều tăm tắp kèm viền tím chạy quanh và 2 cánh vai thì có chớp.

Chủ nhân của giò lan quý này là anh Nguyễn Trìu (Bắc Kạn). Anh Trìu cho biết, du khách từ khắp nơi kéo đến nhà anh để chiêm ngưỡng "báu vật". Nhiều đại gia sẵn sàng xuống tay "bất cứ giá nào" để sở hữu siêu phẩm nhưng anh chưa đồng ý. Theo tiết lộ của chủ nhân, hiện giò lan được định giá hơn 2 tỷ đồng.

Hàng ốc xào bậc nhất Sài Gòn, 60 năm chỉ bán 1 món

Trái ngược với các quán ốc ở Sài Gòn thường bán phong phú những thể loại ốc khác nhau, các món ốc cũng thật đa dạng thì mâm ốc dừa xào cay ở vỉa hè chợ Bến Thành suốt 60 năm qua chỉ bán duy nhất 1 món.

{keywords}
Mâm ốc lịch sử hơn 60 năm tại chợ Bến Thành.

Hàng ốc này đã truyền qua 2 đời. Chị Phượng hiện là người tiếp nhận, duy trì món ốc dừa xào độc tôn này từ mẹ.

Chị Phượng chỉ xào sẵn rồi bày nguyên mâm trên vỉa hè với vài chiếc ghế nhựa. Chị chỉ bán từ lúc 7h sáng đến khoảng 15h là hết sạch. Người dân địa phương xem mâm ốc của chị là "đặc sản" của chợ Bến Thành, phải thử ít nhất một lần.

Mảnh vườn 'độc nhất vô nhị' với những quả khổng lồ

Khu vườn rộng khoảng 300m2 của ông Huỳnh Tài (60 tuổi, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) khiến nhiều người trầm trồ bởi những trái bầu 'khổng lồ", nặng 15-25kg, cá biệt có trái nặng trên 30 kg. Giống bầu này trồng khoảng 3 tháng là thu hoạch, còn để bầu già làm giống thì mất 6 tháng.

{keywords}
Vườn bầu “khổng lồ".

Cũng trong vườn bầu nhà ông Tài, có một giống mướp đắng có quả dài gần 2 mét. Ông Tài cho hay, loại mướp này chăm sóc nó dễ hơn, đỡ tốn nước hơn bầu. Giống mướp này ăn rất giòn, ngon và lạ hơn hẳn giống khác.

Bộ sưu tập 1.200 chiếc đài cassette độc nhất Việt Nam

Anh Nguyễn Xuân Thủy (50 tuổi, Hà Nội) nổi tiếng trong giới chơi loa đài cổ với bộ sưu tập đài cassette “khủng” nhất nhì Việt Nam. Ngoài loa đài cổ, anh Thủy cũng là chủ nhân của nhiều băng cassette giá trị.

{keywords}
Bộ sưu tập loa đài của anh Thủy

Dân Việt thông tin, anh Thủy đang là chủ của hơn 1.200 chiếc đài cassette với đủ loại hình dáng, màu sắc, thương hiệu và sự đa dạng về giá thành. Những chiếc radio cassette này được anh Thủy tìm mua từ 3 nguồn chính là: Rác thải điện tử; đấu giá trên các diễn đàn loa đài thế giới và tìm mua lại những chiếc đài cổ hoài niệm của người Việt Nam vẫn còn lưu giữ và sử dụng.

Tiêu chí chọn đài của anh Thủy gồm 3 yếu tố chính: Nhãn hiệu; thiết kế và mức độ quý hiếm. Anh ưu tiên những chiếc đài có chất lượng âm thanh tốt, không chỉ với mục đích trưng bày mà còn có thể sử dụng tốt mỗi ngày.

Độc đáo nhà tranh tường tre, nhà trẻ bằng gạch, xếp tầng như Lego

Ngôi nhà mang tên Hoa Phong House có diện tích 400m2 tại ngoại ô TP. Đà Nẵng gây ấn tượng vì được bao phủ bởi những bức tường tre độc đáo cùng mái nhà tranh. Ngôi nhà được xây dựng trên nguyên tắc thiết kế "4 không": Không điều hòa, không có cửa sổ bằng nhôm và kính, không sử dụng gạch, không sử dụng gạch nung.

{keywords}
Nhà trẻ bằng gạch mộc, xếp tầng như Lego.

Trong khi đó, một ngôi nhà mẫu giáo ở TP.HCM được xuất hiện trên trang kiến trúc hàng đầu thế giới Archdaily nhờ thiết kế độc lạ. Ngôi nhà được xây dựng theo mô hình gạch trần với các lỗ mở tạo cảm giác như một tòa nhà Lego khổng lồ trông như những ngôi nhà nhỏ xếp chồng lên nhau, không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn thúc đẩy thông gió tự nhiên, tránh trường hợp thiếu khí do đông đúc.

Nhà cổ gỗ lim chứa toàn “báu vật” độc nhất ở Hà thành

Làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức là một trong số ít làng nghề ở Hà Nội đến nay vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, dân dã của vùng quê Bắc Bộ. Trong làng hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ.

{keywords}
Bên trong ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Viết.

Đáng chú ý nhất là ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Viết, được xây dựng cách đây hàng trăm năm, vẫn được con cháu giữ gìn gần như nguyên vẹn. Bên trong là ngôi từ đường làm bằng gỗ lim nguyên khối, cùng hệ thống cột, kèo được sơn son thếp vàng.

Theo ông Nguyễn Viết Thắng, người trông coi nhà thờ, hiện bên trong từ đường vẫn còn giữ được nhiều cổ vật, có niên đại từ thời Lê Trung Hưng. Hiện nhà thờ họ Nguyễn Viết đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)