- Mẹ tôi trước khi mất để lại cho tôi một miếng đất và dự định sang tên đổi chủ cho tôi. Do qua đời đột ngột nên những khoản nợ của mẹ chưa kịp thanh toán. Sau khi mẹ mất tôi lại chuẩn bị định cư bên Mỹ nên cũng muốn giải quyết cho xong.
Khi đó, số nợ của mẹ là 100 triệu mà tôi lại không có khả năng thanh toán ngay nên tôi đành sang tên cho vợ chồng chị gái để hợp thức hóa giấy tờ, để chị tôi vay ngân hàng lấy số tiền 100 triệu trả nợ cho mẹ. Đồng thời, tôi viết một tờ giấy đồng ý cho vợ chồng chị tôi mượn miếng đất đó, sau 3 năm tôi về sẽ phải trả lại đất cho tôi, có đầy đủ chữ ký của chị và anh em trong nhà chứng kiến.
Tuy nhiên, khi tôi sang Mỹ thì chị tôi cầm cố đất lấy 100 triệu nhưng không thanh toán nợ nần, cũng có ý định chiếm miếng đất đó.
Xin hỏi luật sư giờ miếng đất đứng tên chị tôi rồi thì dựa vào giấy tờ cũng như người làm chứng trong nhà, tôi có thể kiện chị để lấy lại mảnh đất được không?
Ảnh minh họa |
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo như bạn trình bày bạn đã sang tên cho anh chị để vay ngân hàng lấy 100 triệu để trả nợ cho mẹ bạn và hiện nay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên vợ chồng chị bạn. Do đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của vợ chồng anh chị bạn.
Tuy nhiên, bạn có viết giấy đồng ý cho vợ chồng chị bạn mượn miếng đất đó, có chữ ký của đầy đủ anh chị em trong nhà. Nếu có tranh chấp về quyền sử dụng đất thì bạn hòa giải với gia đình anh chị, nếu không hòa giải được thì bạn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai được tiến hành theo quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013.Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc