Hàng tỷ USD bốc hơi trong một thời gian rất ngắn khiến túi tiền của các đại gia ngân hàng tụt giảm nghiêm trọng, không ít các nhà đầu tư và những người liên quan sụt hố sau những thương vụ lớn.
Phiên giao dịch ngày 3/7 ghi nhận một đợt bán tháo mạnh chưa từng có trong nhiều tháng qua. Chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh nhất châu Á, mất hơn 41 điểm xuống mức thấp nhất năm 2018: 906,1 điểm. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán (TTCK) bốc hơi gần 7 tỷ USD, sau khi đã “bay” khoảng 30 tỷ USD trong quý 2.
Thị trường đang chịu tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố: từ cú sốc trên thị trường tài chính thế giới hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho tới biến động tăng vọt bất ngờ của tỷ giá USD/VND và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại,...
Trong quý 2, chỉ số VN-Index đã giảm tổng cộng 214 điểm và trở thành chỉ số giảm sâu nhất thế giới.
Tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu là cổ phiếu ngành ngân hàng, một nhóm cổ phiếu vốn được kỳ vọng rất cao và đã tăng điểm rất mạnh trong năm 2017 và quý 1/2018, mất giá mạnh.
Trong phiên giao dịch 3/7, có tới 5 mã cổ phiếu ngân hàng giảm sàn, hết biên độ cho phép 7%, bao gồm: BIDV (BID), Vietinbank (CTG), VPBank (VPB), Techcombank (TCB) và Sacombank (STB).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã “đóng góp” chính vào sự tụt giảm của TTCK trong quý 2 với 3 trong số 5 cổ phiếu đứng đầu danh sách đưa VN-Index lên số một trong số các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV giảm thêm 12% trong 2 phiên đầu tháng 7 sau khi đã giảm 40% trong quý 2. Cổ phiếu VPBank cũng giảm thêm 11% sau khi đã giảm hơn 30% từ đỉnh cao trong quý 2.
Cổ phiếu giảm mạnh khiến túi tiền của nhiều đại gia ngân hàng bốc hơi nhanh chóng.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) cho thấy, bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank, đã mua 5 triệu cổ phiếu VPB trong khoảng thời gian từ 1-28/6/2018 nâng tổng số lên gần 73 triệu cổ phiếu VPB.
Theo dữ liệu công bố trước đó, ông Ngô Chí Dũng nắm hơn 70 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,4732% vốn điều lệ VPBank. Ngoài ra, mẹ ruột ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên cũng đang sở hữu hơn 66,5 triệu cổ phiếu VPB. Tính tổng, cả gia đình đại gia Ngô Chí Dũng đang nắm giữ 209,4 triệu cổ phiếu VPBank.
Tuy nhiên, đây là số liệu trước khi VPBank phát hành tăng vốn. Sau phát hành, các cổ đông như ông Ngô Chí Dũng, bà Hoàng Anh Minh đều được cộng thêm một lượng lớn cổ phiếu, mỗi người đang nắm giữ từ 4,4-4,7% cổ phần VPBank. Riêng ông Ngô Chí Dũng đang nắm giữ khoảng hơn 110 triệu cổ phiếu VPBank.
Thời gian qua, cú lao dốc của cổ phiếu VPBank trên sàn chứng khoán khiến túi tiền của gia đình ông Ngô Chí Dũng giảm từ đỉnh cao hơn 14.000 tỷ đồng xuống 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của VPBank giảm từ mức 4,6 tỷ USD xuống còn khoảng 2,7 tỷ USD.
Trong khi đó, cổ phiếu BIDV giảm mạnh còn được cho là bị ảnh hưởng từ thông tin nguyên chủ tịch HĐQT, ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra TƯ khai trừ khỏi Đảng. Ông Trần Bắc Hà vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng.
Cổ phiếu Techcombank gần đây cũng giảm mạnh khiến vốn hóa của ngân hàng này bốc hơi hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhà ông Hồ Hùng Anh, một đại gia gốc Đông Âu, cả nhà có tỷ USD, giàu nhất ngân hàng Việt chứng kiến túi tiền bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bị bán trong nhiều phiên, từ mức tham chiếu 128.000 đồng/cp xuống 81.800 đồng/cp như hiện nay. Vốn hóa của Techcombank giảm từ 150 ngàn tỷ đồng (6,5 tỷ USD) xuống còn 83 ngàn tỷ đồng (3,6 tỷ USD).
Theo đánh giá của một số CTCK, thị trường hiện chưa có dấu hiệu ổn định. BSC cho rằng, dòng tiền tiếp tục đứng ngoài thị trường là yếu tố khiến lực cầu đỡ giá cổ phiếu rất yếu. Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 916 điểm trước đó.
SHS nhận định, thị trường đang ở trong trạng thái nhạy cảm và phiên giao dịch tiếp theo có thể gợi mở cho xu hướng sắp tới, ngưỡng 895 điểm (đáy tháng 12/2017) sẽ là hỗ trợ tiếp theo. Thị trường có thể hồi phục trở lại nếu test thành công vùng hỗ trợ trong khoảng 895-900 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch 3/7, VN-index giảm 41,14 điểm xuống 906,01 điểm; HNX-Index giảm 3,97 điểm xuống 98,8 điểm. Upcom-Index giảm 0,86 điểm xuống 49,98 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần. Giá trị đạt 5,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Tin xấu ập đến: Đại gia Lê Phước Vũ, tỷ phú Trần Đình Long mất tiền tấn
Những tin xấu dồn dập đang khiến nhiều cổ phiếu và túi tiền của các đại gia Việt, trong đó có ông Lê Phước Vũ, bốc hơi không ngừng nghỉ. Vận đen thập kỷ đang bủa vây các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt.
Đại gia Hồ Xuân Năng mất 330 triệu USD, cú thụt két khó đỡ
Doanh nghiệp của đại gia Hồ Xuân Năng, thường được gọi là “Năng Do Thái” quyết định tung tiền mua cổ phiếu sau khi túi tiền của vị tỷ phú USD tương lai bỗng sụt giảm mất hàng trăm triệu USD trong một thời gian ngắn.
Ông lớn quyền lực thế giới đổ tiền chi phối đại gia Việt
Quỹ đầu tư quyền lực nhất trên thị trường tiếp tục đổ tiền vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam bất chấp xu hướng rút vốn đang diễn ra ồ ạt tại các thị trường mới nổi và cận biên.