Người dân Hà Nội và những vùng lân cận đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nguy hại, chỉ số AQI cao và bụi mù mịt vào sáng sớm. Và không riêng gì Việt Nam, các nước lân cận như Indonesia, Singapore đã liên tục gửi cảnh bảo đến người dân do chất lượng không khí ngày càng nghiêm trọng.

Năm năm trước, Bắc Kinh cũng từng trải qua cảnh tượng tương tự. Và không ít người đã tận dụng hoàn cảnh này như một cơ hội kinh doanh, kiếm bộn tiền bằng cách cung cấp những sản phẩm như máy lọc không khí, khẩu trang và thậm chí là không khí đóng chai.

Vitality Air là một trong số đó. Năm 2014, Moses Lam và Troy Paquette – hai chuyên gia về vay thế chấp người Canada đã nảy ra một ý tưởng khá điên rồ.

Hà Nội đang phải đối mặt với tình trang chất lương không khí ở ngưỡng ô nhiễm nguy hại.

Trào lưu mới: Hít thở bằng không khí đóng chai

Đôi bạn lái xe đến Vườn quốc gia Banff của Alberta, Canada, dành cả tiếng đồng hồ để "vung vẩy một cái bao, cố gắng lấy được thật nhiều không khí trong lành của vùng sơn cước." Sản phầm đầu tiên đựng trong túi zip, được đăng bán trên eBay với giá 130 USD.

Đáng nói là sau đó đã có nhà thầu đồng ý mua với mức cao hơn, 168 USD. Điều này khiến họ vô cùng ngạc nhiên và nhận ra đây là một cơ hội không thể bỏ qua.

Moses Lam và Troy Paquette "thu hoạch" không khí sạch từ Vườn quốc gia Banff.

Tháng 11 năm 2014, Mose và Troy thành lập Vitality Air, cam kết "cải thiện sinh khí qua từng hơi thở" bằng cách cung cấp "khí trong lành" từ Vườn quốc gia Banff.

Không khí sẽ được hút bằng các ống lớn sau đó nén vào lon nhôm. Theo National Post, Vitality Air đã bán hết lô hàng đầu tiên gồm 500 chai cho Trung Quốc – khi ấy đang bị nghẹt thở vì khói bụi - trong vòng vài tuần. Công ty bán cả không khí trong lành và oxy tinh khiết. Một chai không khí 7,7 lít từ hồ Louise bán lẻ với giá 32 đôla Canada, có thể dùng cho 160 lần thở. Mức giá này đắt gấp 50 lần so với một chai nước khoáng ở Trung Quốc.

Không khí từ Canada được thu và đóng trong lon nhôm, xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác.

Đa số khách hàng đến từ những thành phố lớn ở vùng đông bắc và phía nam Trung Quốc, nơi thường xuyên đối mặt với cảnh báo về ô nhiễm. Ngoài ra còn có các thị trường Bắc Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Đông.

Từ khi thành lập, doanh số của Vitality luôn tăng trưởng mạnh, từ 30.000 lon năm 2015 tới 230.000 lon năm 2016.

Tuy nhiên, Vitality Air không phải là công ty duy nhất kiếm bộn tiền từ tình trạng ô nhiễm này. Tại Úc, công ty Clean & Green đóng chai không khí từ dãy núi Xanh tại Sydney và xuất khẩu sang châu Á với giá 72 USD cho một két 12 lon.

Leo De Watts, người tự xưng là một "nông dân thu hoạch khí" cũng thường xuyên lấy không khí tại các con đồi ở Dorset, Somerset và xứ Wales bằng các lưới đánh cá không lồ rồi bán chúng trong các lọ thủ công với giá 95 bảng Anh, hay 120 USD một lọ.

Thậm chí, có công ty còn lấy tên một vị thần Hy Lạp - Aethaer với lời hứa hẹn cung cấp không khí mà các vị thần hay hít thở, tự ví mình như "Louis Vuiton của không khí".

Cải thiện sinh khí hay chỉ là trò lừa bịp?

Năm 2015, Business Insider, một trang tin có tiếng đã đăng tải bài viết: "Tại sao không nên mua không khí đóng chai từ Canada?".

Theo đó, khi phóng viên liên hệ để hỏi về các chỉ số sức khỏe thì không nhận được phản hổi từ Vitality Air. Tuyên bố trên website chính thức cũng không được chứng thực bởi bất kỳ tổ chức hay chuyên gia nào.

Người dân Trung Quốc vẫn đổ xô đi mua không khí đóng chai từ Canada.

Trong khi Moses Lam thuật lại lời chia sẻ của một khách hàng rằng: "Sau khi hít thở không khí trong lành, cô ấy cảm thấy em bé của mình đang đạp trong bụng." nhưng nếu nhấp vào phần lợi ích của sản phẩm thì lại chẳng hiện ra bất cứ thông tin nào.

Dẫu vậy, Vitality Air vẫn kinh doanh khá thuận lợi. Năm 2018, doanh số bán buôn và bán lẻ đạt khoảng 500.000 chai. Nếu Vitality Air đổ bộ vào Việt Nam, bạn có sẵn sàng mua?

Theo GenK