Sáng 23/3, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho bệnh viện, giúp hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân hiệu quả hơn. 

Tính đến nay, bệnh viện đã sửa chữa được các máy móc hiện đại, quan trọng, vận hành 2/6 máy chụp CT, 3/5 máy xạ trị, 3 máy MRI hoạt động bình thường. Các máy còn lại dự kiến sang tháng 4 sẽ vận hành.

Thảm họa sẽ xảy ra nếu máy CT cuối cùng cũng hỏng 

Máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy hỏng từ ngày 19/1, xuyên Tết Nguyên đán. Đến tháng 3, bệnh viện chỉ còn 1 trong tổng số 6 máy hoạt động. Thời điểm này, ông Thức như "ngồi trên đống lửa". Vị giám đốc dặc biệt lo ngại việc hỏng máy CT cấp cứu. 

Thiết bị này nằm sát bên Khoa Cấp cứu, chụp chiếu cho hàng trăm ca mỗi ngày. Ở vị trí này, bệnh nhân cấp cứu được di chuyển chụp CT ngay lập tức hoặc chuyển lên phòng mổ nhanh nhất có thể. 

Khi máy hỏng, nhân viên y tế phải đẩy bệnh nhân sang khu D - Trung tâm ung bướu với quãng đường xa, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng. Bởi hầu hết ca cấp cứu ở cơ sở y tế này đều nhập viện trong tình trạng rất nặng. 

Thông thường, so với các bệnh viện khác, máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy bị hỏng nhiều hơn vì cường độ hoạt động rất “khủng khiếp”. Máy chạy liên tục tỏa ra nhiệt độ rất cao, điều hòa không đáp ứng đủ vì người bệnh chụp liên tục. Tất cả áp lực này dồn lên một chiếc máy chạy 24/24. Nhân viên y tế cũng làm việc không ngừng nghỉ. 

“Thảm họa sẽ xảy ra nếu chiếc máy này cũng hỏng do vận hành liên tục”, bác sĩ Thức chia sẻ. Sau khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 được ban hành, việc sửa chữa máy CT được thực hiện ngay lập tức. Hai máy đã vận hành, số còn hoạt động trong vài tuần tới. 

Máy CT cấp cứu giai đoạn bị "đóng băng". Ảnh: Thế Sơn

Máy CT cấp cứu vận hành trở lại vào ngày 22/3. Ảnh: Thế Sơn.

Người bệnh ung thư hết cảnh xạ trị lúc 2h sáng

Thời gian qua, 4/5 máy xạ trị của đơn vị này hết thời hạn bảo hành, bảo trì, phải mua sắm linh kiện thay thế, chỉ còn 1 máy hoạt động được. 

Sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, máy xạ trị hiện đại tái hoạt động, thoát cảnh "đóng băng" đến mức phủ bụi như trước đây. Hiện tại, 3 máy đã hoạt động. Trong đó, một máy xạ "lớn tuổi nhất" vận hành từ năm 2013 cũng được vận hành để đáp ứng nhu cầu điều trị. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, thời điểm thiếu máy, bác sĩ phải thay đổi phương pháp như hóa trị, phẫu thuật cho người bệnh ung thư có chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, số lượng dồn ứ vẫn đông, người bệnh thậm chí chờ đến 2h sáng mới đến lượt.

Thêm vào đó, theo quy định, mỗi máy chỉ được xạ từ 60-80 ca, nếu nhiều hơn sẽ dễ xảy ra sai sót và hư hỏng. Đó là những tình huống không ai mong muốn. 

Máy xạ trị gia tốc sau thời gian bám bụi vì không được sửa chữa, nay đã vận hành trở lại. Ảnh: Thế Sơn.

“Cả người bệnh ung thư và tôi cũng rất mừng vì rút ngắn được thời gian chờ, việc điều trị được thông suốt. Khi đầy đủ trang thiết bị, chúng tôi cũng tập trung nâng cao chuyên môn để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh", bác sĩ Tuấn Anh nói. Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 300 bệnh nhân xạ trị, 50-70 ca đang chờ.

Thêm quyền lợi cho bệnh nhân

Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã tháo gỡ và cho phép thanh toán Bảo hiểm y tế với các kỹ thuật thực hiện trên máy đặt máy mượn, các trang thiết bị được tặng mà bệnh viện chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia. 

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, như vậy, người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi và sự công bằng với chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán trên các máy móc hiện đại nhất. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhận định vận hành thông suốt máy móc trang thiết bị y tế cũng giúp giảm số lượng bệnh nhân ngoại trú phải chuyển sang cơ sở liên kết khác chụp chiếu.

Thời gian qua, người bệnh và thân nhân được sắp xếp xe đưa đón khi sang cơ sở khác chụp CT hay MRI. Trường hợp phải chờ sang hôm sau, bệnh viện bố trí chỗ ngủ miễn phí tại khu nhà nghỉ thân nhân. 

Người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề khi bệnh viện tuyến cuối thiếu máy móc, trang thiết bị y tế. Ảnh: Thế Sơn

Tuy nhiên, dù trong thời điểm nào, người bệnh cũng chỉ chi trả tiền giống như thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không bị tính thêm chi phí khác. 

“Thiếu thiết bị máy móc là lỗi của giám đốc bệnh viện, không phải lỗi của người bệnh nên không để bệnh nhân trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào", bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.