Bà Đoàn Thị Thu (62 tuổi) cùng con dâu Phan Ngọc Nghĩa (30 tuổi) đang sống ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. 

Tính đến nay, chị Nghĩa về làm dâu nhà bà Thu được 10 năm. Trong khoảng thời gian này, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn êm đềm, chưa từng xảy ra bất hòa.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị Nghĩa luôn được mẹ chồng yêu thương, lo lắng. 

Lần đầu gặp mẹ chồng, chị Nghĩa sợ bà khó tính.

Chị Nghĩa kể trong chương trình Mẹ chồng nàng dâu: “Lần đầu về ra mắt mẹ chồng, tôi thấy mẹ chồng hơi khó gần và không vui vẻ. Tôi sợ mẹ chồng khó tính. 

Nhân dịp nhà có đám, bạn trai dẫn tôi về giới thiệu với gia đình và cũng để thú tội chuyện bạn gái đã mang thai.

Nghe tôi có thai, mẹ chồng không trách mắng mà còn bảo hai đứa cùng nhau đến bệnh viện kiểm tra”.

Khi có kết quả, bà Thu dẫn con trai đến nhà chị Nghĩa để thưa chuyện cưới hỏi. Tuy nhiên, gia đình chị Nghĩa không đồng ý gả con gái.

Bởi, nhà bà Thu khó khăn, con trai lại bị liệt hai chân. Bố mẹ chị Nghĩa sợ con gái sống không hạnh phúc, làm dâu cực khổ.

Trước sự kiên quyết của nhà gái, đôi trẻ cầu cứu bà ngoại của chị Nghĩa. Nghe chuyện, bà ngoại liền đứng ra gả cháu gái. Lễ vu quy được tổ chức ở nhà bà ngoại chị Nghĩa. 

Khi con dâu sinh được gần 2 tháng, bà Thu dặn dò vợ chồng con trai ở nhà, còn mình đi TP.HCM tìm việc làm. 

Bà Thu chia sẻ: “Ở TP.HCM, tôi đi phụ hồ, kiếm được đồng nào đều gửi về cho vợ chồng con trai nuôi cháu nội. 

Vài tháng, tôi về quê thăm con cháu một lần thì biết hai đứa cãi nhau, thậm chí, Nghĩa còn bị chồng đánh”.

Mỗi lần thấy các con lời qua tiếng lại, bà Thu đều đứng ra giảng hoà, trách con trai không biết thương vợ. Bà bênh con dâu hết lời, còn mắng yêu chị Nghĩa sao không biết chạy khi bị chồng đánh.

Bà Thu ngạc nhiên khi biết con dâu không bỏ chạy dù bị chồng đánh.

Những lúc vợ chồng lục đục, chị Nghĩa lại nghĩ đến tình thương của mẹ chồng mà ở lại.

“Năm năm đầu làm dâu, nhà cửa bên chồng không thể che nắng che mưa nên vợ chồng tôi phải đi ở trọ. 

Sức khỏe của cả hai đều yếu, không ai đi làm. Tất cả đều dựa vào tiền mẹ chồng làm phụ hồ gửi về hàng tháng”, chị Nghĩa xúc động.

Sau khi sinh em bé thứ 2, chị Nghĩa cố gắng đi làm công nhân, kiếm tiền phụ mẹ chồng.

Không bao lâu, chị Nghĩa lại mang thai lần 3. Ở lần sinh này, nửa đêm, bà Thu đưa con dâu đi sinh mà trong túi chỉ có 400 nghìn đồng. 

Trong lúc mẹ chồng nàng dâu bối rối, cháu gái của bà Thu cho mượn 4 triệu đồng lo tiền viện phí.

Lúc sinh, chị Nghĩa có dấu hiệu băng huyết. Bệnh viện yêu cầu sản phụ và người nhà đưa ra phương án chọn mẹ hay chọn con.

Chị Nghĩa không ngần ngại quyết định ký giấy cứu con. Hành động này của con dâu khiến bà Thu rất cảm động. 

Dù rất muốn ngăn cản con dâu nhưng bà không biết mở lời bằng cách nào. Thế nên, bà ngậm ngùi cầu nguyện cho con dâu mẹ tròn con vuông.

Mẹ chồng nàng dâu dành tình cảm cho nhau như mẹ con ruột thịt.

Chị Nghĩa nghẹn ngào nói: “Ba lần đi sinh, tôi đều không có chồng bên cạnh, chưa lần nào được anh chăm sóc. Tôi biết sức khỏe của chồng không thể làm được điều mà mình mong muốn. 

Tuy nhiên, tôi được mẹ chồng lo lắng tận tình, thậm chí mẹ ruột còn chưa lo được như vậy. Thế nên, tôi không cảm thấy tủi thân”.

Thấy con dâu sinh khó, bà Thu cấm không cho vợ chồng con trai sinh thêm. Bà không đi làm xa nữa mà ở nhà vừa phụ con dâu chăm cháu vừa nuôi bò.

Hiện tại, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của chị Nghĩa khá êm đềm. Chuyện gì chị Nghĩa cũng thủ thỉ tâm sự với mẹ chồng.