Báo cáo mới nhất của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu lâm sản nước ta đạt 7,95 tỷ USD, tăng mạnh 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch của năm nay. 

Theo đó, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều gỗ xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng từ 10-44% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhờ đó, xuất siêu 6 tháng đầu năm 2024 của mặt hàng này ước đạt 6,7 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lâm sản tiếp tục giữ vững vị trí là ngành hàng xuất siêu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tính đến hết tháng 6 năm nay.

Nhu cầu tăng tại nhiều thị trường là yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024.

xuat khau go
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng mạnh, đặc biệt là với thị trường Mỹ. Ảnh: Hải quan online

Đáng chú ý, Mỹ là khách hàng lớn nhất, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong 6 tháng qua. Người Mỹ rất chuộng các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam nên các nhà nhập khẩu đã chi ra 4,38 tỷ USD mua về phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 27,6%.

Nửa đầu năm nay, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, với tố độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản của nước ta được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số. Bởi, theo chu kỳ, các thị trường sẽ đẩy mạnh nhập khẩu vào 3 tháng cuối năm; cùng với đó, lạm phát được kiểm soát tại nhiều quốc gia tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng tăng.

Đáng chú ý, quy mô thị trường nội thất Bắc Mỹ dự kiến đạt trên 400 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,9%/năm. Mỹ chiếm khoảng 64,4% quy mô thị trường nội thất Bắc Mỹ và dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm.

Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường này và có thể đặt mục tiêu kim ngạch đạt 10 tỷ USD vào năm sau.