Kỷ lục về nhiệt độ khả năng bị xô đổ 

Sáng nay (28/4), Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong hôm qua, rất nhiều nơi trên cả nước vượt ngưỡng 40 độ, cao nhất là khu vực miền Trung như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 42.8 độ, Tương Dương (Nghệ An) 43.2 độ, Hà Tĩnh 42.4 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 42.6 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 42.9 độ, Tp Huế (T.T.Huế) 42.4 độ.

Ở Bắc Bộ có Tp Lào Cai (Lào Cai) 41.7 độ, Minh Đài (Phú Thọ) 41.2 độ, Láng (Hà Nội) 41.5 độ, Phủ Lý (Hà Nam) 41.8 độ,…

Trong 3 ngày tới (28-30/4), cơ quan khí tượng dự báo, khu vực Sơn La, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ, có nơi trên 42 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%.

Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cường độ nắng nóng giảm hơn, với cao nhất 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. Từ Khánh Hòa đến Bình Thuận 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất từ 45-50%.

W-thoi-tiet-nang-nong-1.jpg
Cả nước nắng nóng gay gắt khắc nghiệt dịp nghỉ lễ 30/4. Ảnh minh họa: Minh Hiền

Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa. Điều này đồng nghĩa nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi có thể lên đến 46-47 độ.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai dự báo, liên tiếp trong 3 ngày 28-30/4 sẽ diễn ra nắng nóng cực kỳ gay gắt trên phạm vi cả nước. 

“Trong 3 ngày này, các kỷ lục về nhiệt độ từng được ghi nhận trước đây sẽ bị xô đổ. Đặc biệt lần đầu tiên nước ta có thể ghi nhận nhiệt độ đo trong lều khí tượng có thể lên đến 45 độ trong ngày 30/4”, TS. Huy nhận định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng sau ngày 30/4, trong 1-2 ngày đầu tháng 5 có khả năng xảy ra không khí lạnh yếu từ phía Bắc di chuyển xuống. Khối khí lạnh này kết hợp với nền nhiệt cao gây ra hiện tượng mưa giông, thậm chí lốc sét, mưa đá ở Bắc Bộ, trong đó, trọng tâm là vùng núi trung du, khoảng đêm 30 và ngày 1/5. 

Với diễn biến nắng nóng trên, ông Hưởng lý giải, nguyên nhân là do thời tiết đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, giai đoạn này đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây nên gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong giai đoạn nghỉ lễ.

Không khí lạnh yếu, nền nhiệt chỉ giảm nhẹ khoảng 2 ngày

Các chuyên gia khí tượng dự báo, ngày 1/5, ở Bắc Bộ khả năng xuất hiện mưa rào và giông, vùng núi cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to và giông mạnh. Lúc này, ở phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng chấm dứt, nhiệt độ từ 31-34 độ; khu vực phía Tây Bắc Bộ tiếp tục duy trì tình trạng nắng nóng với mức nhiệt cao 35-38 độ.

w cay do o to 1 1086.jpeg
Sau nhiều ngày nắng nóng nền nhiệt tăng cao, khi có không khí lạnh khả năng xảy ra mưa giông, lốc sét, gió giật mạnh. Ảnh cây đổ trong mưa giông ở Hà Nội ít ngày trước: Đình Hiếu

Từ 2-6/5, khu vực phía Đông Bắc Bộ phổ biến ít mưa, trời nắng; giai đoạn từ 5-6/5 có thể xuất hiện mưa rào và giông về chiều tối, chưa có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng; nhưng ở phía Tây Bắc Bộ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình phổ biến ít mưa, tiếp tục xảy ra nắng nóng với mức nhiệt cao 35-38 độ.

Khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, từ 1-2/5, do ảnh hưởng từ không khí lạnh yếu nên nắng nóng có xu hướng suy giảm, nền nhiệt phổ biến từ 34-36 độ. Giai đoạn từ 3-6/5, phổ biến ít mưa, trời nắng nóng trở lại; nhiệt độ từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. 

Đối với khu vực Nam Bộ, từ nay đến 6/5, tiếp tục duy trì hình thái thời tiết ít mưa, nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao nhất trong ngày từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Dự báo xa hơn, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ nay đến tháng 6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ. Do đó, các hiện tượng giông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh. Thời gian giông, lốc, sét nhất là mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thường xuất hiện vào chiều, chiều tối và đêm. 

Cơ quan khí tượng lưu ý, để hạn chế tác động, người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn.