Giải cứu thịt lợn đang là tiêu điểm của kinh tế tuần qua, đồng loạt các bộ ngành, cả nước vào cuộc giải cứu thịt lợn. Bên cạnh đó, giá xe giảm, diễn biến nhân sự tại Sabeco, Sacombank, Dầu khí,... cũng được dư luận quan tâm.
Đặng Văn Thành thâu tóm tài sản Bầu Đức?
Sau 5 năm đầy biến động thời kỳ “Đặng Văn Thành”, Sacombank cũng sắp có một đại hội cổ đông để chọn ra ứng cử viên cho chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT. Ông Đặng Văn Thành đã rút lui và không có tên trong danh sách ứng viên cho nhiệm kỳ tới.
Nhiều khả năng, nhà ông Đặng Văn Thành đã mua xong toàn bộ mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Gần đây, hai công ty mía đường của ông Đặng Văn Thành cũng đã công bố kế hoạch sáp nhập.
Cường đôla lương 10 triệu/tháng
Cường đô-la nắm giữ hai chức vụ Phó Tổng giám đốc và Thành viên HĐQT tại Quốc Cường Gia Lai. Trong 7 tháng đầu năm 2016, tính chung cả 2 cương vị, Cường đô-la được trả 15,5 triệu đồng/tháng.
Cường đô-la được biết đến như một tay chơi siêu xe siêu hạng đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, anh nổi tiếng vì có trong tay "bộ sưu tập" người yêu đều là những ngôi sao nổi tiếng trong làng showbiz.
Tài sản của mẹ con Cường đô-la tăng gấp rưỡi sau vài ngày. |
Nói về lương các lãnh đạo doanh nghiệp, Vietjet Air trả lương khá khủng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ Vietjet Air được trả 2,66 tỷ đồng/năm, gấp đôi mức thù lao của Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thanh Hà (1,27 tỷ đồng/năm). Các phó tổng giám đốc khác của VJC cũng nhận thù lao 1,4-1,7 tỷ đồng/năm.
Lùm xùm bổ nhiệm sếp Sabeco
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến công tác nhân sự tại Sabeco. Theo đó, Bộ Công Thương nhất trí đề nghị bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam, Đại diện vốn nhà nước, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco giữ chức Tổng giám đốc Sabeco.
Một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin đề nghị "cần làm rõ bất thường" trong việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam làm Tổng giám đốc Sabeco "một cách gấp rút".
Những người đã từng làm Chủ tịch PVN từ năm 2010 đến nay. Từ trái sang phải: Ông Phùng Đình Thực, ông Đỗ Văn Hậu, ông Nguyễn Xuân Sơn (bị truy tố, phạt tù), ông Nguyễn Quốc Khánh |
Sự thay đổi lớn về nhân sự tại Tập đoàn Dầu Khí
Thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể lại có thay đổi nhân sự quan trọng ở cấp cao nhất: vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên. Vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN trong thời gian gần đây liên tục có những xáo trộn.
Tháng 7/2015, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch PVN, bị đình chỉ chức vụ, rồi sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, một phó tổng giám đốc khác của PVN, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN thì cũng chỉ hơn một năm sau, ngày 9/3/2017, ông này lại được cho thôi chức, điều chuyển về Bộ Công Thương.
Giám đốc kỷ luật vì bị cướp mà không trình báo
Ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) không đến trình báo với cơ quan chức năng về chuyện bị cướp xe. Do không trình báo, ông Phong có thể bị kỷ luật hành vi không tố giác tội phạm.
Sau khi công an làm việc xong, hoàn thành hồ sơ vụ án và có kiến nghị với Ủy ban, khi đó sẽ có căn cứ để ra quyết định kỷ luật hay không và hình thức kỷ luật thế nào.
Đại gia sở hữu máy bay ở Việt Nam
Nếu không tính trường hợp của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy thì Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là người thứ hai sở hữu máy bay riêng.
Tuy nhiên, máy bay của cả ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long đều đã được bán và xóa đăng ký sở hữu. Hiện trên cả nước không có tư nhân nào sở hữu máy bay riêng.
Bầu Đức từng đã sở hữu máy bay riêng |
Kỹ sư chân đất xứ Nghệ thách thức đối thủ Nhật Bản
Anh Phan Công Sỹ đã có niềm đam mê tìm hiểu, chế tạo các loại máy móc. Anh đã trở thành “người nổi tiếng” vì đã chế tạo thành công máy cày đa năng với nhiều điểm ưu việt so với máy cùng loại của “ông lớn công nghệ” Nhật Bản.
Anh đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm một số chi tiết, đặc biệt là nhằm biến chiếc máy cày đơn thuần thành máy cơ khí đa năng.
Minh nhựa khoe đồng hồ
Cách đây ít hôm, đại gia Minh Nhựa đã bất ngờ khoe hình ảnh tay đeo chiếc đồng hồ đắt giá cạnh khoang lái của chiếc siêu xe Pagani Huayra có giá hơn 70 tỷ đồng của mình trên trang facebook cá nhân.
Đồng hồ siêu sang của Minh Nhựa |
Việc đại gia Minh Nhựa sở hữu chiếc đồng hồ này cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Trước đây, vị đại gia này đã từng sở hữu những chiếc đồng hồ Richard Mille đắt giá như RM-010 Rose Gold Full Diamond, RM 11-01 Roberto Mancini.
Bộ lư 'Tam bảo vĩnh hằng' trả 15 tỷ ông chủ không bán
Bộ lư lọ chạm khắc đá mang tên "Tam bảo vĩnh hằng" được chủ nhân xưởng sản xuất đồ đá cho biết có một khách hàng người Trung Quốc trả giá 15 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Tam bảo vĩnh hằng' trả 15 tỷ |
Chủ xưởng này là ông Trần Nhật Minh. Trước khi làm nghề chế tác đá, ông Minh là kỹ sư địa chất, chuyên đi tìm đá quý. Rẽ ngang sang nghề này cách đây 28 năm ban đầu ông chỉ làm những bộ đồ dùng đơn giản như Tam đa, ấm chén... Khách hàng không có, ông phải mang lên trên phố cổ ký gửi khoảng 3 năm. Hiện tại, ông cho biết sản phẩm của công ty ông xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Giải cứu thịt lợn
Nổi bật trong thời gian qua là vấn đề giá thịt lợn giảm. Các cơ quan ban ngành đồng loạt vào cuộc để giải cứu thịt lợn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa mới gửi công văn hỏa tốc kêu gọi các Bộ ngành, các địa phương,... hãy chung tay mua sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Không trông chờ thương lái đến thu mua, cũng không trông chờ giá thịt lợn có thể quay đầu tăng trở lại, một số hộ chăn nuôi đang tự mổ lợn đem ra vỉa hè Hà Nội bán lẻ để cắt lỗ trước khi bị “lợn ăn hết sạch vốn liếng”.
Bảo Anh (Tổng hợp)