Bệnh nhân N.T.N. (92 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng khó ăn uống, suy kiệt nặng, bụng đau chướng, mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, đi ngoài ra máu, rối loạn điện giải, thể trạng toàn thân yếu ớt, cân nặng chỉ còn 35 kg.
Sau khi thực hiện khám lâm sàng và các kỹ thuật chiếu chụp, bác sĩ chẩn đoán bà bị u đại trực tràng trái, lồng đại tràng sigma - trực tràng. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu để tránh nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, cụ bà có tiền sử bệnh lý phức tạp như mổ mở cắt u đại tràng từ 35 năm trước, bệnh hẹp và suy mạch vành, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu.
Ngày 10/7, nữ bệnh nhân này được phẫu thuật nội soi cắt u đại trực tràng và làm hậu môn nhân tạo. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các y bác sĩ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân với thể trạng đặc biệt, ê-kíp đã rất băn khoăn về phương án phẫu thuật mổ mở hay phẫu thuật nội soi. Đây là thử thách với chuyên khoa ngoại và gây mê hồi sức.
Khi gây mê, ê-kíp đã triển khai nhiều thiết bị tiên tiến theo dõi sinh tồn, kiểm soát huyết động thường xuyên, lựa chọn thuốc gây mê phù hợp để tránh những cơn đau, hạn chế nguy cơ rung nhĩ, biến chứng tim mạch, hệ hô hấp và các chức năng cơ thể.
Hai ngày mổ sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số ổn định, đã rút được ống thở. Sau 6 ngày, cụ bà đã ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và tập vận động trở lại.