Nữ bệnh nhân 37 tuổi (trú tại Chương Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) được đưa vào khoa Cấp cứu - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) ngày 24/7. Chị nhập viện trong tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim lên tới 207 lần/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát.

Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định ấn nhãn cầu, dùng thuốc thuốc chẹn Beta giao cảm và theo dõi nhịp tim liên tục qua máy monitor. Sau khi nhịp tim trở về tần số an toàn, không xuất hiện thêm cơn nhịp nhanh, bệnh nhân được chỉ định ra viện sáng nay (26/7).

Bác sĩ chuyên khoa I Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê - cho biết đối với người trưởng thành, nhịp tim bình thường dao động 60-80 lần/phút, nhưng khi có cơn nhịp tim nhanh trên thất, nhịp tim có thể lên đến 140-250 nhịp/phút hoặc cao hơn.

Một số nguyên nhân gây nhịp tim nhanh như lo lắng, căng thẳng, thiếu máu, sốt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lạm dụng caffein. Các nguyên nhân khác như vấn đề về nội tiết tố (tuyến giáp), mất cân bằng điện giải, tập thể dục cường độ cao, tác dụng phụ của thuốc.

Nếu không được điều trị, các cơn nhịp nhanh có xu hướng kéo dài và tần suất mau hơn, gây nên tình trạng đau thắt ngực, làm tăng nguy cơ suy tim và những biến chứng tim mạch khác.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc nhịp nhanh kịch phát trên thất, kể cả những người không có bệnh lý tim mạch.

Bác sĩ Mến khuyến cáo khi phát hiện cơ thể có biểu hiện đánh trống ngực, hồi hộp, bồn chồn, khó thở, vã mồ hôi hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng chóng mặt, thậm chí mất ý thức, ngất xỉu, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bảng nhịp tim bình thường theo độ tuổi:

Độ tuổi Nhịp tim bình thường (bpm)
15-18 tuổi 73
18-20 tuổi 80,6
21-30 tuổi 80,2
31-40 tuổi 78,5
41-50 tuổi 75,3
51-60 tuổi 73,9
61-70 tuổi 73
71-80 tuổi 74,2
Trên 80 tuổi 78,1