Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, TP Hà Tĩnh đã đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương đã phân bổ gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 15 mô hình sinh kế.

Những ngày giữa năm 2024, gia đình anh Nguyễn Chính Thành (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng) rất vui vì đàn gà nhà anh nuôi sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp anh có vốn để tiếp tục sản xuất và nuôi 3 con ăn học.

Đàn gà là mô hình sinh kế mà địa phương hỗ trợ cho gia đình anh từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng cộng đàn gà có 160 con gà giống, thức ăn cho gà được trao cho hộ nghèo này.

Anh Thành chia sẻ nhà anh vốn thuộc hộ nghèo lâu năm, cuộc sống rất chật vật vì phải nuôi 3 con nhỏ đi học, hai vợ chồng lao động tự do thu nhập bấp bênh. Mô hình sinh kế trao tay giúp người đàn ông này càng vững vàng, thêm ý chí vươn lên, giảm nghèo đa chiều.

Cùng thôn với anh Thành, gia đình ông Trần Đình Tuyết cùng được trao sinh kế nuôi gà. Ông Tuyết năm nay 80 tuổi, đại gia đình gồm 8 người. Con cái không có việc làm ổn định, các cháu đang tuổi đến trường. Kinh phí trang trải hàng tháng quá lớn khiến gia đình ông rất chật vật. Bởi thế, mô hình sinh kế được chính quyền địa phương hỗ trợ đã trở thành động lực để gia đình ông phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống.

Xã Thạch Hưng còn khoảng 50 hộ nghèo, cận nghèo, số liệu cuối năm 2023. Nhiều gia đình đã được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi, tạo nguồn động viên, đồng hành, sẻ chia và giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Xã cũng hướng dẫn người dân cách chăn nuôi để đảm bảo hiệu quả của mô hình và từng bước thay đổi cách thức, tư duy sản xuất.

W-giam ngheo ha tinh nong nghiep.jpg
Nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ người dân "cần câu" vươn lên được Hà Tĩnh triển khai. 

Tại xã Đồng Môn, chính quyền xã triển khai mô hình tích tụ ruộng đất. Sau khi UBND thành phố, xã Đồng Môn triển khai chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, nông dân trong xã liên kết với các tổ hợp tác để phủ kín nhiều hecta đất với hàng chục giống sen như: sen bách diệp, sen cao sản, sen hoàng yến, sen nghìn cánh… 

Với mô hình trồng sen lấy hạt, theo đánh giá, người nông dân có thể cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm và trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ (mỗi năm 2 vụ). Ngoài thu mua sen nguyên liệu (bông sen, hạt sen, lá sen, ngó sen, tâm sen, củ sen), bà con cũng đã chế biến hàng chục sản phẩm từ sen như trà búp sen, trà lá sen, hoa sen sấy giòn, hạt sen tươi, củ sen sấy, tinh bột sen, kim chi củ sen, rượu sen… 

Mô hình tích tụ ruộng đất ở xã Đồng Môn cho thấy hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định, tạo việc làm giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Theo mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh tập trung, tích tụ đạt 15.000 ha; từ 2025-2030 đạt 30.000 ha.

Không chỉ ở xã Thạch Hưng, Đồng Môn, thời gian qua, các địa phương khác trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh, đến nay, thành phố còn 377 hộ nghèo (tỷ lệ 1,22%) và 549 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,78%). Thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc hỗ trợ mô hình sinh kế như được trao "cần câu" đã tạo nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Hoạt động hỗ trợ mô hình sinh kế tại thành phố Hà Tĩnh là nội dung quan trọng trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của thành phố và tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo, mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng.