Mỗi hộ được nhận 1 con bò cái sinh sản, giống Lai Sind chất lượng cao, có trọng lượng trung bình từ 200-220kg/con, giá trị trên 24 triệu đồng/con, cùng vật tư chăn nuôi và được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản để phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Đây là hoạt động trong Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Phú Bình, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Mô hình này nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Điều đặc biệt của dự án là gần 1 tháng trước khi được bàn giao bò giống sinh sản, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của huyện Phú Bình được đi chọn bò ưng ý nhất. Các hộ còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh, sản xuất và chế biến một số loại thức ăn cho bò.

40 hộ dân cũng tham gia học tập kinh nghiệm thực tế tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) để trang bị kiến thức chăm sóc, quản lý dịch bệnh bò Lai Sind sinh sản.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên và đơn vị cung cấp bò giống cho biết tới sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, theo dõi, giám sát đàn bò của các hộ chăn nuôi đã tiếp nhận, can thiệp kịp thời khi bà con phản ánh về tình trạng sức khỏe cũng như dịch bệnh của đàn bò được hỗ trợ.

Cùng với đó, hộ dân trong quá trình chăn nuôi bò giống cũng thường xuyên được hướng dẫn về kiến thức và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo bền vững. Sau dự án, các hộ dân chủ động tiếp tục nhân rộng mô hình, cho bò sinh sản tạo ra nhiều bê con những năm tiếp theo. 

W-Giảm nghèo (131).jpg
Các chương trình, mô hình giảm nghèo giúp nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với thực tế

Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình giảm nghèo của huyện Phú Bình, ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết nhiều hộ dân đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ thông qua tham gia mô hình, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ… Các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng, hàng năm có từ 20-30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 3,03% (tương đương còn 1.193 hộ), giảm 2,37% so với năm 2022. Hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ là cách mà huyện Phú Bình thực hiện để giảm nghèo hiệu quả.

Tân Thành là xã miền núi của huyện Phú Bình, gồm 10 xóm, với 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, việc giảm nghèo tại xã gặp nhiều khó khăn. 10 năm trước, 40% hộ trong xã thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Đồng hành với quyết tâm của chính quyền và nhân dân trong xã, công cuộc giảm nghèo như tiếp thêm luồng gió mới khi xã Tân Thành được tiếp nhận một số dự án từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 dành cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, cuối năm 2023 đầu năm 2024, xã Tân Thành được nhận hỗ trợ Mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học với 7.000 con gà, cấp cho 20 hộ nghèo, cận nghèo; 16 con bò nái sinh sản cấp cho 16 hộ nghèo, cận nghèo.

Đối với chăn nuôi gà, mỗi hộ nghèo và cận nghèo sẽ được hỗ trợ 350 con gà giống/hộ đã được tiêm phòng vắc xin trước khi nhận. Đối với bò sinh sản, mỗi hộ được cấp 1 con bò nái có trọng lượng từ 190kg đến 220kg.

Ngoài ra, mỗi hộ chăn nuôi còn được cấp thêm 160 kg thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y sát trùng, đá liếm, men tiêu hóa, thuốc bổ… Sau khi nhận con giống, các hộ dân còn được cán bộ thú y đến tận nhà tiêm phòng bổ sung 2 mũi vắc xin gồm ký sinh trùng đường máu và sán lá gan cho bò, đồng thời thường xuyên thăm khám định kỳ trong 12 tháng. 

Đồng Bầu là xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Thành. Bà Lý Thị Cảnh, Trưởng xóm, thông tin xóm có 10 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo được cấp 16 con bò nái sinh sản. Chỉ sau hơn 2 tháng nuôi, mỗi con đều tăng từ 40kg trở lên, con tăng nhiều nhất đã đạt mức 290kg. Nhiều người dân hi vọng những con bò nái sinh sản này sẽ giúp gia đình gia tăng nguồn thu để sớm thoát nghèo.

Lãnh đạo xã cho hay xã Tân Thành hướng đến phương châm “đã làm là phải trúng”. Vì thế, bên cạnh các tiêu chí của huyện, xã còn rà soát các điều kiện cơ sở chăn nuôi của từng hộ dân trước khi đưa vào dự án. Đơn cử, hộ dân phải có nguồn nhân lực, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của dự án, có chuồng trại phù hợp quy mô chăn nuôi, có diện tích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò…

Hiện nay, xã còn 50 hộ nghèo và 59 hộ cận nghèo. Tân Thành đặt mục tiêu hết năm 2024 sẽ có 13 hộ từ nghèo lên cận nghèo và 8 hộ từ cận nghèo thoát nghèo bền vững.  

Việc tham gia dự án với các mô hình chăn nuôi con giống phù hợp sẽ hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở xã Tân Thành nói riêng và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nói chung tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, cải thiện đời sống người dân...